
Nói đến văn hoá truyền thống, không ít người trong chúng ta sẽ nghĩ về những cái gì đó xa xưa, lạc hậu, cũ kỹ… một số người còn gán ghép vào đó mấy từ “phong kiến lạc hậu”, tôi trước đây cũng vậy! Mặc dù được sinh ra ở vùng nông thôn Nam bộ, suốt thời thơ ấu đã trải qua cuộc sống gian nan vất vả, gắn bó gần gũi với con sông, cánh đồng, bờ tre, bụi chuối với những tiếng võng ru kẽo kẹt bên mái hiên nhà.
Cũng như bao người trẻ khác, đến một lúc nào đó phải rời xa quê nhà lên Sài Gòn tiếp tục học. Cuộc sống mới nơi đô thị nhộn nhịp lúc đầu khiến tôi lạ lẫm, vừa e ngại, vừa háo hức. Đôi khi rất nhớ nhà, nhớ má tôi, nhớ con chó nhỏ hay lăng xăng mừng rỡ mỗi khi thấy tôi đi học về, có lúc lại muốn hoà nhập thật mau vào môi trường mới, theo những trào lưu mới vì nghĩ rằng nó sẽ giúp mình sớm thích nghi với cuộc sống đô thị và cũng có một phần là muốn cho mọi người thấy được sự thay đổi khác biệt, sự “văn minh” của mình khi sống ở Sài Gòn mỗi khi về thăm quê. Từ đó trong cách ăn mặc, lời nói, thưởng thức nghệ thuật… đều muốn thay đổi cho thật giống với người thành thị và nghĩ rằng mình đã đi đúng hướng.

Thế nhưng trong môi trường phồn hoa, nhộn nhịp của Sài Gòn mà đầu óc non trẻ của tôi nghĩ là nó phải có gì đó rất khác biệt với nông thôn. Nó phải rất hiện đại chứ không dân dã, quê mùa như ở quê tôi thì tôi lại thấy một vài hình ảnh trái ngược từ người thân của mình, họ là những người đã sống ở Sài Gòn từ rất lâu. Trước hết là Dì Sáu của tôi, bà về Sài Gòn làm dâu từ những năm 1955 trong một gia đình giàu có, tiếp xúc với nhiều bậc quyền quý, nhưng mấy mươi năm vẫn giữ nếp sống của người phụ nữ nông thôn, cần cù, siêng năng, thức khuya dậy sớm lo cho gia đình bên chồng, tóc dài búi gọn gàng, ngày nào cũng áo bà ba, quần đen làm trang phục chính. Rồi người chị họ của tôi, chị theo chồng về Sài Gòn ở ngay đường Nguyễn Huệ- quận 1 là nơi trung tâm đô hội bậc nhất của miền Nam và cả Việt Nam vậy mà mỗi lần đến thăm chị tôi vẫn luôn nghe những giai điệu tân cổ giao duyên “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…”, hay “Thi tướng quân! Thi tướng quân!…” từ vở tuồng cải lương xưa cũ trái ngược với những gì đang diễn ra bên ngoài phố, làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa thấy ngồ ngộ và nghĩ Dì Sáu và chị mình sao mà “cổ lỗ sĩ” (một từ người ta hay dùng để chỉ những người quê mùa, cũ kỹ), đã ở Sài Gòn lâu như thế mà cách sống không khác gì một người ở thôn quê, nếu là tôi chắc tôi sẽ thay đổi nhiều lắm rồi.
Thế mà có một điều lạ là mỗi khi tôi nhớ nhà, nhớ má hay gặp những biến cố nào đó tôi hay tìm về bên Dì tôi, bên chị tôi và tôi cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương thật sâu nặng. Tôi được lo lắng chăm sóc ân cần, được dạy dỗ khuyên bảo đa số là từ những câu nói của người xưa, từ chuyện xưa tích cổ, ca dao, tục ngữ. Tôi chợt nghĩ những người mà tôi xem là “cũ kỹ” sao lại có một trí nhớ xuyên suốt, mạch lạc, một đời sống tinh thần phong phú và cách đối nhân xử thế rất đẹp, rất đúng mực mà tôi ít khi cảm nhận được sự sâu lắng này khi ở bên những con người mà tôi cho rằng hiện đại.

Thời gian trôi qua tôi mải miết học hành và thích nghi với cuộc sống mới, sau khi ra trường về làm việc trong môi trường được coi là hiện đại tôi như cá gặp nước cứ thế mà phát huy cá tính hiện đại của mình trong cách giao tiếp, ăn mặc, thể hiện cá tính… Tôi thích chạy theo trào lưu mới và luôn muốn mình nổi bật hơn mọi người về hình thức nhưng thực sự nhiều lúc tôi cảm thấy chán và mệt mỏi với chính mình. Tại sao tôi cứ phải lăng xăng, mải miết truy cầu những thứ bề ngoài nông cạn, càng theo đuổi tôi càng thấy hụt hẫng, có lúc như người mất phương hướng vì không định hình được chính mình là gì? Không có bản ngã, thiếu một cái gì đó rất riêng mà tôi cần phải có, đó có phải là “gốc rễ” của một con người? Hình như tôi đã sai trong cách nghĩ và tạo dựng hình ảnh của mình ? Rất nhiều lần tôi nghĩ về hình ảnh của Dì và chị tôi và những con người xưa cũ mà tôi có dịp gặp gỡ và thế là tôi bắt đầu đi tìm lại chính mình.
Trong quá trình này tôi tiếp xúc và quan sát rất nhiều người, thuộc nhiều thành phần trong xã hội và tôi nhận thấy rằng: có những người họ sống và làm việc trong môi trường rất hiện đại, địa vị cao, điều kiện vật chất đầy đủ nhưng họ vẫn giữ được “gốc rễ” của mình, luôn làm chủ được bản thân, không bị lôi cuốn vào những thứ xa hoa phù phiếm, những trào lưu tiêu cực. Họ cư xử với người khác rất đúng mực, lịch sự, nhã nhặn, chân thành và khiêm tốn nhưng vẫn toát lên một phong thái chuẩn mực đáng kính, họ ít quan tâm đến vật chất nhưng đời sống tinh thần luôn được vun đắp theo thời gian ngày càng phong phú.

Viết đến đây tôi lại nhớ câu chuyện về người bạn của mẹ tôi, bà quê ở Trà Vinh, sang Pháp tu nghiệp từ những năm 1950 và trở thành một tiến sĩ – bác sĩ sống và làm việc tại Pháp. Bà có rất nhiều đóng góp cho mối bang giao giữa hai nước Pháp – Việt. Lần đầu gặp bà tôi hết sức ngỡ ngàng vì trước mắt tôi không phải là một con người như tôi tưởng tượng mà là một bà cụ chân chất, hết sức giản dị không khác một phụ nữ nông thôn Nam bộ. Áo bà ba, túi vải mộc mạc, ăn uống, đi đứng, nói năng giản dị, chân thành. Tôi không tìm thấy một hình ảnh nào của một phụ nữ sống gần 50 năm ở nơi kinh đô thời trang bậc nhất thế giới.
Càng tìm hiểu tôi càng kính trọng bà vô cùng vì những kiến thức sâu rộng và tấm lòng rộng lớn đối với quê hương.
Tôi nhìn thấy một nét văn hoá đặc sắc nơi con người này, đó chính là văn hoá truyền thống. Bà nói suốt cuộc đời bôn ba, chính truyền thống cổ xưa của gia đình, làng xóm, dân tộc như một cái gốc vững chắc để từ đó dù có đi đâu, làm gì bà cũng không đánh mất bản thân mình. Lúc nào cũng nhớ đến những câu răn dạy của người xưa như làm người cần coi trọng năm chữ “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín”. Nam giới thì trước hết là “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nữ giới thì cần dề cao bốn phẩm chất “Công Dung Ngôn Hạnh”. Còn trẻ thì phải “học ăn, học nói; học gói, học mở” hay “nhỏ mà không học, lớn mò sao ra”, “ăn coi nồi, ngồi coi hướng” trong giao tiếp… Câu chuyện của bà đã làm tôi thức tỉnh và hiểu rằng “văn hoá truyền thống là cái gốc của đạo làm người”. Một người không có gốc thì khác gì một cái cây không có rễ, nó yếu ớt, thiếu sức sống, sẽ không trụ vững được trước giông bão.
Sau này khi sang Mỹ sống, tôi thấy có một số anh chị em người Việt mỗi khi về thăm quê nhà cứ thích biến mình thành người xa lạ, dù đi mới vài năm mà nói chuyện thì phải chen tiếng Mỹ vào vì không nhớ tiếng Việt, gặp cái gì cũng ngạc nhiên giống như lần đầu nhìn thấy, tóc tai, trang phục, điệu bộ tạo vẻ khác thường, ăn uống, nói năng có phần khoe khoang giống như mình người Tây, người Mỹ chứ không phải người Việt nhìn rất buồn cười và phản cảm. Một vài người nhận xét là họ mới ra nước ngoài không bao lâu mà sao mất gốc mau vậy?

Ngay cả trong nước hiện nay theo đà phát triển của công nghệ thông tin, kinh tế thị trường, giao lưu nghệ thuật… một số không ít người phần lớn là giới trẻ họ nhanh nhạy nắm bắt, học hỏi theo các trào lưu mới mà không hề có sự chọn lọc và gìn giữ “gốc rễ” của mình. Họ du nhập, sao chép theo thần tượng về mọi mặt. Họ sống mà không có định hình được mình là ai trông rất đáng thương. Có những bạn trẻ không hề biết gì đến truyền thống lịch sử của gia đình, dân tộc nhưng lại rất rành về đời tư của các diễn viên, ca sĩ ở tận đâu đâu. Họ không quan tâm và càng không biết trân quý gìn giữ những giá trị truyền thống cao đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc nhưng có thể bỏ bao công sức, tiền bạc, thời gian theo đuổi những thứ rất phản cảm và lập di, đi gặp thần tượng từ xa xôi nào đến và khi không gặp được họ khóc nức nở giống như người mất hồn không còn thiết sống…
Thật sự mà nói không phải những gì du nhập từ phương Tây đều là không thuần khiết mà ở đâu cũng vậy. Bên cạnh những người sống gấp, sống không cần tìm hiểu cội nguồn, không gìn giữ chuẩn mực văn hóa đạo đức vẫn luôn có những người biết quý trọng văn hóa truyền thống vì họ hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc gìn giữ nét đẹp này. Họ là những con người hiểu thấu nhân sinh quan của cuộc đời, luôn quan sát và lo lắng trước những biến chuyển của xã hội. Họ muốn nắm giữ lại cái gốc cho xã hội này trước bao biến động, họ không cam tâm nhìn xã hội đang ngày càng trượt dốc về nhân cách, đạo đức vì mất đi sự ước thúc từ những chuẩn mực đạo đức làm nền tảng từ bao đời nay. Đó cũng là điều mà rất nhiều quốc gia hiện đang thức tỉnh sau một giai đoạn chỉ chạy theo phát triển kinh tế, cạnh tranh kỹ thuật, quân sự… mà bỏ quên nền tảng cơ bản nhất của mọi vấn để chính là gìn giữ chuẩn mực đạo đức của văn hóa truyền thống, nay nhận ra được và mong muốn quay về.

Từ những câu chuyện nhỏ góp nhặt trên đây, có thể là góc nhìn của riêng tôi, nhưng tôi tin nó sẽ là một nét vẽ, một mảng màu khơi gợi lên bức tranh về vẻ đẹp, tầm quan trọng của văn hoá truyền thống. Tôi tin có rất nhiều người nhận ra rằng văn hoá truyền thống chính là cái “gốc”, là cội rễ của một con người, một dân tộc, một đất nước, và của cả nhân loại. Những bậc Thánh nhân ngày xưa đã rất tôn kính gọi là đó là “Văn hóa Thần truyền”. Họ cho rằng Thần đã tạo nên con người và vạn vật, cũng cấp cho con người tư duy và văn hoá làm nền móng phát triển qua biết bao đời. Không đơn giản là một trào lưu hay một giai đoạn lịch sử mà văn hóa truyền thống là một mạch máu, một sợi dây liên kết, gìn giữ và trường tồn qua nhiều giai đoạn lịch sử. Những chuẩn mực truyền thống là cội rễ nuôi dưỡng đời sống tinh thần, nó tạo nên cái Thần của một con người, một dân tộc, một quốc gia và cả nhân loại. Nếu con người không gìn giữ, không tôn trọng và ứng xử đúng mực thì sớm muộn gì chắc chắn sẽ bị mất đi cái gốc của đạo làm người, sẽ đi đến bại hoại và tiêu vong vì đã không biết trân quý, gìn giữ những nền tảng mà Thần đã lưu cấp chỉ riêng cho con người chúng ta trong vạn vật mà Ngài đã tạo ra.
Tuệ Tâm
Các bài viết liên quan:
[related_posts_by_tax title=""]VIDEO GỢI Ý
[youlist randomvid="2ixVsuU5MOw, Ongzpm5qN18, FrPYclwSF_A, nX8VpCywqD0, ZXketPYULb0, Gme6hDduhDQ, o_yK8hgb5-Y, 8PlXEoD-_9U, qDMQPIoSdPs, whmtXT5Zgrk, 8x3SFMa7hP0, jGv3n2Uhi4U" showinfo="1" width="768" height="480" class="youlist" autohide="2" autoplay="0" disablekb="0" theme="dark" modestbranding="0" controls="1" color="red" fs="1" rel="0" start="0" loop="0" iv_load_policy="1" version="3" style="" vq="" nocookie="0" https="1" wmode="" parameters=""]Hits: 219