
Mùa Thu, thường đưa tôi trở về với những hoài niệm cũ, về những miền ký ức tưởng đã trôi lạc theo thời gian. Phía sau khung cửa mùa Thu là sắc màu rực rỡ của những chiếc lá vàng, là bầu trời trong xanh cao vời vợi, là nắng nhẹ nhàng hòa với cơn gió heo may, đôi khi có cả những hạt mưa bay bay phảng phất nhẹ như sương khói. Mùa Thu thay lá làm cả đất trời và cảnh vật cũng đổi thay, khoảnh khắc giao mùa này mang đến cho con người ta nhiều cảm xúc lắng đọng, suy tư như một niềm nhớ không thể gọi tên. Bao nhiêu bài thơ, bản nhạc, nhật ký, tranh họa…những tác phẩm văn học nghệ thuật đã từ mùa Thu bước ra nhưng vẫn không thể nào chở hết được những nỗi niềm trong đó.
Vùng Bắc Mỹ nơi tôi đang sống mùa Thu thật sự là một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ có thể làm say đắm lòng người mỗi khi lạc bước đến đây. Những rừng cây vào Thu thay lá nhuộm lên nền trời xanh biếc những màu vàng, đỏ, cam, xanh lam…cứ tiếp nối nhau trải dài khắp mọi ngả đường như muốn khoe hết vẻ đẹp của thiên nhiên bằng nhiều cung bậc sắc màu rực rỡ. Đêm, ánh trăng Thu trên cao thả những tia sáng vàng lấp lánh rắc lên những chiếc lá đang thay màu, làn gió Thu đi ngang làm tất cả trộn lẫn vào nhau chảy tràn óng ánh như một dòng sông vàng đang vỗ sóng vào bầu trời đêm trong vắt. Dòng sông của mùa Thu vàng và ánh trăng vàng đã đưa tôi trôi về miền ký ức tuổi thơ với những mùa Tết Trung thu đầy kỷ niệm nơi quê hương Việt Nam.

Thuở ấy cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm; cơm không đủ ăn, áo chưa đủ mặc thì làm sao dám mơ đến những thứ khác. Chiếc đèn Trung thu chỉ là niềm ao ước của tôi và bao đứa con nít thời bấy giờ. Trước Tết Trung thu vài ngày, những người cha thường chuốt tre, làm thành hình ông sao, cái nhà, hay đơn giản là một cái hình vuông vuông rồi lấy giấy mỏng phết hồ dán xung quanh vậy là thành chiếc đèn làm quà cho con trẻ; lũ trẻ thì vui mừng và nôn nao chờ Trung thu mau đến để được xách đèn đi chơi và khoe cùng chúng bạn.
Riêng tôi, tôi chưa bao giờ được cha mình làm cho một chiếc đèn nào như thế vì cha tôi đã mất rất lâu, từ trước khi tôi chào đời, mẹ tôi ở vậy một mình nuôi tôi khôn lớn. Tôi luôn tự mình làm những chiếc đèn rất ngây ngô với niềm vui và sự háo hức không kém một đứa nào trong xóm tôi. Trước Tết Trung thu, mỗi khi đi học, đi bán rau trên chợ hay la cà ngoài xóm là tôi đưa con mắt của mình vào những ngóc ngách giống như cách bà Hai mua ve chai lông vịt hay đi ngang nhà. Thấy bất cứ thứ gì có thể “chế biến” thành cái đèn là tôi lụm về chất ở một góc sau hè. Nhìn đi, ngó lại phần nhiều là vỏ lon sữa ông Thọ, may mắn thì được cái vỏ lon sữa bò lớn hơn một chút.

Tôi lấy một cây đinh và búa hì hục đục từng lỗ nhỏ lên cái lon cho đến khi nào không còn chỗ để đục là coi như hoàn thành. Không ít lần tôi gõ búa vào tay mình đau điếng nhưng vẫn không ngăn được tôi làm đèn. Loay hoay cả buổi trưa rồi cũng xong, giờ đến công đoạn hoàn thiện. Lấy cọng dây chì cũ mèm cột vào làm quay, chặt một nhánh trúc làm cán để cầm, xin mẹ một cây đèn cầy nhỏ cắm vào bên trong rồi đem treo nó ở cạnh cửa sổ để dễ nhìn thấy khi đi qua đi lại trong nhà. Tôi nôn nao chờ đến ngày Trung thu với một niềm hạnh phúc lâng lâng khó tả.
Gần tới Trung thu, mấy đứa con nít chúng tôi đêm nào cũng ra nhìn lên trời coi trăng đêm nay tròn chưa, lớn và sáng chưa… Thời tôi còn nhỏ, tôi nhớ bầu trời đêm rất cao, rất rộng, đầy sao lấp lánh; trăng thì vừa tròn, vừa sáng có thể nhìn thấy được chị Hằng, chú Cuội và cây đa trên đó. Rồi ngày Trung thu cũng đến, chiều ăn cơm sớm, tắm rửa sạch sẽ, quần áo gọn gàng, nhờ mẹ thắt cho hai bím tóc xinh xinh. Thấy trên bàn mẹ đã bày một dĩa trên đó có trái bưởi, nải chuối, vài trái quýt, mận; cạnh là mấy cái bánh in bằng bột nếp và một bình trà. Mẹ nói “cúng Rằm đón trăng xong mẹ sẽ cho con ăn hết”, tôi vui quá! rối rít cảm ơn mẹ và không quên chắp tay khấn “Ông Trời ơi! Con xin Ông tối nay đừng mưa”, xin ông cho con hai cái bánh in, một trái quýt bỏ vào hai bên túi áo, tôi nhanh lẹ xách cái đèn vỏ lon, châm nến rồi chạy ù ra ngõ.

Thời đó nhà cửa thưa thớt, đèn điện không nhiều nên ánh trăng và ánh sáng của những chiếc đèn trở nên rất lung linh, huyền ảo. Tôi vừa đi vừa cẩn thận che gió cho đèn không bị tắt, ánh nến rọi qua những cái lỗ trên lon sữa chiếu xuống đất những tia sáng mà với tôi lúc bấy giờ nó đẹp hơn bất cứ thứ gì tôi từng thấy; nó nhấp nháy, nhảy nhót theo từng nhịp chân tôi bước. Tôi hoà với mấy đứa thành một hàng đi quanh xóm, vừa đi vừa hát “Tết Trung thu em xách đèn đi chơi, em xách đèn đi khắp xóm làng…”, đi ngang nhà đứa nào chưa ra chơi thì dừng lại kêu và đứng chờ, cứ thế mà hàng xếp mỗi lúc càng dài. Đi ngang qua nhà mấy bà, mấy cô đang cúng Rằm cũng được cho chút lộc là kẹo dừa, bánh men, bánh in…toàn những món đơn sơ mà sao ngon quá! Thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua, cả đám tụm lại che cho đèn không bị tắt, hoặc mồi lửa thắp lại nến.

Đi mỏi chân lại tìm bãi đất trống ngồi xếp thành vòng tròn, để mấy cái đèn ở giữa mà ngó, rồi ăn bánh và kể đủ thứ chuyện dưới ánh trăng Trung thu. Đèn có cái đẹp, có cái đơn sơ nhưng không làm mất đi niềm vui của chúng tôi. Ngó tới, ngó lui một hồi dù không nói ra nhưng trong bụng đứa nào cũng cho là cái đèn của mình là đẹp nhất. Tôi cũng thấy cái đèn vỏ lon của mình vừa đẹp, vừa chắc chứ không dễ bị cháy như mấy cái đèn bằng giấy, nó chỉ hơi nóng khi tôi lỡ đụng tay vào.
Trung thu bây giờ so với trung thu ngày trước khác nhau nhiều lắm! Khác trong từng món quà bánh, từng món đồ chơi, trong cả cách đón trung thu lẫn trong lòng từng con người. Trung thu quê tôi nay rực rỡ sắc màu, những chiếc lồng đèn nhựa bằng pin đủ mọi hình thù bày bán khắp nơi bên cạnh bao nhiêu loại bánh trái cao cấp khác. Phố thị ồn ào náo nhiệt, đèn màu sáng rực như muốn át cả ánh trăng rằm.
Trẻ con giờ đây được cho nhiều đồ chơi, nhiều quà bánh nhưng sao tôi không tìm thấy vẻ háo hức nơi chúng, vẫn thiếu một thứ mà những đứa trẻ nghèo khó chúng tôi khi xưa có được. Đó là sự hồn nhiên, là cảm giác hạnh phúc từ sâu trong tâm hồn với những ký ức rất đẹp mang đầy đủ ý nghĩa thật sự của ngày Tết Trung thu. Một cảm xúc mà ngày nay ta khó tìm thấy được trong cuộc sống quá đủ đầy, đua chen, hưởng thụ. Nếu hỏi trẻ nhỏ ngày nay cảm nhận thế nào về ngày Tết Trung thu? cũng thật là khó cho các em bởi vì nó không có sự khác biệt so với những ngày bình thường là mấy. Hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, những giá trị cũ cũng thay đổi, niềm vui cũng chẳng còn giống nhau, hoài niệm bao nhiêu cũng chẳng thể nào khiến mọi thứ quay trở lại.

Theo thời gian, tôi như cánh chim rời tổ ấm bay đến phương xa. Càng đi xa càng thương nhớ về những ngày xưa cũ; sống trong văn hóa phương Tây càng thấy quý trọng những giá trị truyền thống mộc mạc nơi quê nhà, càng lo lắng vì sợ những giá trị này sẽ bị mai một, bị cuốn trôi vào quên lãng. Trung thu xa xứ cũng có mâm ngũ quả, có trò chơi dân gian truyền thống như: múa lân, rước đèn ông sao, kéo co,…là dịp hồi tưởng lại những kỉ niệm của một thời tuổi thơ đã trôi qua, cảm nhận rõ niềm vui của những người xa quê khi nhìn con cháu mình được sống trong không khí cộng đồng ấm áp. Được giữ gìn và cảm nhận giá trị truyền thống quê hương nơi xứ người khiến tôi không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ đến những ngày rong ruổi cùng bạn bè múa hát, rước đèn Trung thu nơi làng quê nghèo năm ấy, tôi càng thêm nhớ quê nhà, nhớ người thân da diết.
Đất trời lại vào thu, sự giao mùa kỳ diệu vĩnh hằng vẫn tiếp tục. Từng mùa Thu, từng mùa trăng cứ nối tiếp nhau để lại sau lưng bao năm tháng. Người già sống với hoài niệm, tuổi trẻ hướng đến tương lai, mỗi thế hệ một cách nhìn, cách cảm nhận khác nhau, nhưng chung nhất chính là nỗi nhớ và tình yêu dành cho quê hương, đất nước, gia đình của những người con xa xứ. Dưới trăng Thu đêm nay, tôi nhận ra rằng: Giá trị của hạnh phúc thực sự rất giản dị, nó chỉ là một cảm xúc đẹp, một hoài niệm đẹp; càng sâu lắng, càng khó quên. Và tôi cũng nhận ra một điều: Có những thứ ta càng truy cầu càng khó được, có những thứ chỉ khi nào bước ra khỏi vòng xoáy của cuộc sống ta mới nhận ra được giá trị và vẻ đẹp của nó, đó chính là nét đẹp của văn hoá truyền thống.

Trung thu năm nay, tôi không còn mong cho Trời đừng mưa để đèn không bị tắt, không mong được mẹ cho mấy cái bánh in bỏ túi khi đi rước đèn quanh xóm; mà tôi thầm mong ước sao cho cuộc đời của mỗi người con dù bôn ba tận góc biển, chân trời nào cũng vẫn giữ được sự trong trẻo, tươi sáng, sâu lắng đặc trưng của văn hoá truyền thống dân tộc, nó lấp lánh ánh vàng như dòng sông mùa Thu dưới ánh trăng rằm. Dòng sông ấy luôn bắt đầu từ cội nguồn, chảy đi muôn phương mang đến cho đời nhiều điều quý giá, rồi lại hợp thành một dòng đổ ra biển lớn, cuối cùng cũng quay về tìm lại cội nguồn của mình. Khuya, bên ngoài cửa, lá vàng đang rơi và ánh trăng chiếu xuống càng lúc càng sáng hơn, toả khắp trời một màu Thu vàng dịu dàng trong đêm khuya tĩnh lặng.
Tuệ Tâm
Các bài viết liên quan:
[related_posts_by_tax title=""]VIDEO GỢI Ý
[youlist randomvid="2ixVsuU5MOw, Ongzpm5qN18, FrPYclwSF_A, nX8VpCywqD0, ZXketPYULb0, Gme6hDduhDQ, o_yK8hgb5-Y, 8PlXEoD-_9U, qDMQPIoSdPs, whmtXT5Zgrk, 8x3SFMa7hP0, jGv3n2Uhi4U" showinfo="1" width="768" height="480" class="youlist" autohide="2" autoplay="0" disablekb="0" theme="dark" modestbranding="0" controls="1" color="red" fs="1" rel="0" start="0" loop="0" iv_load_policy="1" version="3" style="" vq="" nocookie="0" https="1" wmode="" parameters=""]Hits: 1368