“Duyên dáng và dịu dàng, chiếc áo thật thướt tha, nghiêng nghiêng hồn sông núi, nghiêng nghiêng bóng tre xanh, à ơi tiếng ru hời từ xa xưa vọng về…” (Áo dài Việt Nam). Tà áo dài Việt Nam không chỉ truyền tải nét đẹp truyền thống dân tộc mà còn là linh hồn của người Việt qua nhiều thế hệ. Áo dài như một nét điểm tô sâu lắng lên bức tranh của dân tộc Việt, rất tinh tế, rất đẹp và dạt dào cảm xúc; là một nét chấm phá mỹ lệ thể hiện vẻ đẹp của văn hóa và tâm hồn Việt Nam.

Tôi, một người con xa xứ! Trong hành trình của mình đã bắt gặp biết bao nhiêu tà áo, bao nhiêu trang phục sắc màu của nhiều dân tộc khác nhau nhưng từ sâu thẳm trong lòng mình tôi vẫn cảm nhận rằng chiếc áo dài Việt Nam là một trong những trang phục truyền thống độc đáo và đẹp nhất. Có lúc tôi thầm nghĩ, mình là người Việt Nam, không biết mình có thiên vị khi nhận xét như vậy hay không? Sau khi tìm hiểu thêm từ những người bạn ngoại quốc, từ các nguồn thông tin tôi mới yên tâm về nhận xét của mình. Có những du khách họ đến Việt Nam một lần và tiếp tục quay trở lại nhiều lần sau đó chỉ bởi vì chiếc áo dài. Họ thật sự bị thu hút khi nhìn thấy người con gái Việt Nam trong tà áo dài thướt tha khắp mọi nơi; họ ngỡ ngàng vỡ oà cảm xúc khi chứng kiến giờ tan trường với hàng ngàn nữ sinh trong tà áo dài trắng tinh khôi tỏa khắp phố phường như những cánh bướm tung bay dưới bầu trời xanh đầy nắng. Chỉ một tà áo nhẹ nhàng như vậy mà đã là nguồn cảm hứng bất tận của biết bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia… Họ đã không ngừng ca ngợi, diễn tả nét đẹp và ý nghĩa của tà áo dài Việt Nam qua bao thế hệ mà cảm xúc vẫn mãi tuôn trào.

Sau thời gian tạm lắng đọng vì giãn cách xã hội do những biến động ở khắp mọi nơi, giờ mọi thứ đang dần trở lại nếp sống bình thường. Tôi và không ít người có lẽ cũng đang mong đợi lại được nhìn thấy những tà áo dài bay bay trên đường phố để xoa dịu đi phần nào sự vắng lặng, buồn tênh của những ngày qua; nhất là vào những tháng cuối năm khi không khí của mùa Xuân mới 2022 đang dần bước đến. Mọi khi vào dịp cuối năm những người phụ nữ hay các bạn trẻ cũng chuẩn bị cho mình, cho người thân chiếc áo mới thường không thiếu những chiếc áo dài để mặc trong dịp lễ tết. Nhân đây tôi cũng muốn mạn đàm với bạn đôi nét về chiếc áo dài xưa và nay.

Ông bà ta ngày xưa rất chú trọng việc ăn mặt, nghi thức xã giao, lễ nghĩa và chiếc áo dài luôn luôn là một trang phục không thể thiếu trong những dịp trọng đại đó. Áo dài ngày xưa đơn giản ít hoa văn, nhưng được coi trọng bởi sự dịu dàng, kín đáo, trang nghiêm cho người mặc mỗi khi khoác chiếc áo lên mình. Áo dài ngũ thân là tiền thân của áo dài được định hình từ thời của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Áo dài ngũ thân có hai kiểu cho nam và nữ, khá giống nhau chỉ khác vài đặc điểm như cổ áo nữ thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn tay áo nam, và vạt áo nam dài hơn vạt áo nữ, cổ đứng cài cúc bên phải, tà áo chắp từ năm mảnh vải tạo nên ngũ thân. Loại trang phục này có tên như vậy không đơn thuần bởi cấu tạo mà nó còn mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Tương truyền rằng thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân ngoài áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu; thân trong tượng trưng cho con người; năm nút áo tượng trưng cho ngũ thường: nhân nghĩa lễ trí tính và ngũ luân: quân thần – vua tôi, phụ tử – cha con, phu phụ – vợ chồng, huynh đệ – anh em, bằng hữu – bạn bè. Mặc vào chiếc áo ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, khiêm nhường, phong thái đĩnh đạc không được làm những điều trái luân thường đạo lý. Đặc biệt còn vận trên đầu chiếc khăn xếp hình chữ nhân hoặc chữ nhất màu đen. Cách quấn khăn này tượng trưng cho tấm lòng nhân nghĩa trọng hiếu phải luôn đặt trên đầu. Trải qua nhiều thăng trầm và cải tiến, hiện nay áo dài ngũ thân dần mờ nhạt và ít thịnh hành, chỉ thường xuất hiện ở Huế – miền đất kinh kỳ bởi nơi đây còn một số nghệ nhân, thợ may ghép hoa văn cho áo dài ngũ thân vẫn muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống của người Việt.

Trước năm 1940, áo dài đã là trang phục thường xuyên của cả nam và nữ mỗi khi có dịp đám tiệc, lễ hội… Vào thời đó trong những gia đình nho giáo, con cháu luôn được dạy dỗ cung cách, lễ nghi ăn nói, đi đứng, ứng xử… trong gia đình và ngoài xã hội sao cho mẫu mực. Chiếc áo dài ngày xưa mặc dù còn rất đơn sơ từ màu sắc đến hoa văn nhưng luôn luôn được xem là bộ lễ phục trang trọng nhất vì nó chứa đựng được nhiều nét văn hoá truyền thống cao đẹp trong đó. Bà tôi kể lúc đó ba của bà làm chức biện làng, đi hội họp, tiếp khách ông thường mặc áo dài màu đen vải gấm có bông ẩn rất to, trên đầu thì đội khăn xếp, còn tay thì cầm theo cây dù trông rất đẹp và trang nghiêm.

Người xưa họ mặc chiếc áo dài một cách trân trọng, đối với phụ nữ thì yêu cầu càng cao hơn là phải thế hiện được sự kín đáo, duyên dáng, nền nã mỗi khi đi ra ngoài vào dịp tết cổ truyền, lễ hội, dâng hương lễ Phật… nhằm thể hiện sự nghiêm túc của bản thân và tôn kính đối với Thần Phật và mọi người chung quanh. Phụ nữ thường mặc áo dài kèm với khăn choàng hầu và cái túi xách nhỏ; bước đi khoan thai, nhẹ nhàng, ăn nói từ tốn. chú trọng lễ nghi, khi nói chuyện thì dạ thưa lễ phép, kính trên nhường dưới… mọi hành động đều tuân theo phép tắc. Hình ảnh chiếc áo dài luôn gắn bó xuyên suốt với nền văn hóa của dân tộc Việt Nam bao đời nay; lịch sử của chiếc áo dài cũng gắn liền cùng lịch sử dân tộc sau bao nhiêu biến cố đã trở thành một nét đặc sắc không thể thiếu trong tâm hồn và cuộc sống của người Việt.

Xã hội không ngừng phát triển, đến nay những mẫu áo dài cũng trở nên đa dạng từ màu sắc đến hoa văn và kiểu dáng. Những tà áo trắng tinh khôi của tuổi học trò hay tà áo tím ngọt ngào của tuổi mộng mơ thướt tha bước đi trên đường phố cùng vành nón lá che nghiêng, áo dài tung bay trong gió e ấp, dịu dàng luôn mãi là một hình ảnh rất đẹp trong lòng nhiều người, là một nét duyên dáng không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam. Do đó, khi nói đến vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam người ta thường liên tưởng ngay đến chiếc áo dài. Ngày nay chiếc áo dài đã được cách tân ngày càng đa dạng phong phú từ họa tiết đến chất liệu, kiểu dáng; làm cho người chọn như hoa cả mắt nhưng lại cảm thấy rất thú vị và tiện lợi mỗi khi đi lựa chọn những cho mình những chiếc áo dài mới.

Thời gian gần đây phong trào mặc áo dài lại được tôn vinh. Chúng ta thấy các bạn trẻ thích mặc áo dài khi đi làm, đi học, hoặc trong những ngày trọng đại như lễ Tết, cưới hỏi… đặc biệt các bạn nam cũng cảm nhận được nét đẹp của chiếc áo dài nên thường chọn mặc như một trang phục chính kết hợp cùng với cô dâu trong ngày vui của mình; tạo nét đẹp hài hòa, trang trọng, lưu giữ được văn hoá truyền thống của dân tộc rất ý nghĩa. Vào những ngày đầu năm mới, mọi người thường chọn áo dài để mặc đi chúc Tết. Các cụ thì mặc chiếc áo dài gấm hoa văn cổ truyền, màu tươi sáng, nền nã ngồi chờ con cháu đến mừng tuổi, trên tay là những bao lì xì xanh đỏ. Các cháu bé cũng được mẹ diện cho chiếc áo dài rực rỡ, bước đi cẩn thận trông rất đáng yêu. Những thiếu nữ thì thướt tha, dịu dàng và dường như đẹp hơn trong tà áo thêu hoa khéo léo. Tất cả đều vui mừng trong không khí đoàn viên và trao tặng nhau những bao lì xì là lộc may mắn cho một năm đầy an yên. Một lần nữa, chiếc áo dài lại tô điểm thêm những sắc màu cho mùa xuân rực rỡ.

Không chỉ trong nước, áo dài còn được người phương Tây và các nước khác trên thế giới cũng trầm trồ khen ngợi, họ rất yêu chuộng và quan tâm tìm hiểu. Họ cho rằng chiếc áo dài đã tôn lên vẻ thanh mảnh của cô gái Việt Nam và ngược lại chỉ có phụ nữ Việt Nam mới làm cho chiếc áo dài trở nên đặc sắc. Vì vậy, họ cũng muốn được mặc chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam; không ít lần họ phải thốt lên rằng: Thật tuyệt vời! Thật quá đẹp! Khi nhìn các bạn khoác lên mình bộ áo dài và tôi cũng muốn khám phá, muốn trải nghiệm nét đẹp này thông qua cách mặc chiếc áo dài của các bạn. Bạn thấy đó, chiếc áo dài ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hóa còn là một niềm tự hào của dân tộc Việt.

Vì những giá trị văn hóa, lịch sử, sự tôn vinh phong cách, vẻ đẹp cho người mặc mà tà áo dài đã tồn tại qua hàng thế kỷ, ngày nay vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình, dù đứng trước vô vàn các trang phục khác nhưng vẫn giữ nguyên vị thế trong trang phục của người Việt và được xem như là quốc phục. Các cô gái trẻ, những nhà thiết kế thời trang… các bạn có thể sáng tạo bằng cảm xúc bay bổng, muốn tạo những điểm nhấn, những phá cách để gây ấn tượng thế nào đi nữa thì cũng xin đừng phá vỡ vẻ đẹp độc đáo hiếm có của bộ quốc phục này, đó là sự trang trọng, kín đáo, nhẹ nhàng, thanh lịch và nền nã…

Là người Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và tôn vinh bộ quốc phục của mình để tự hào giới thiệu với bạn bè khắp nơi trên thế giới qua hình ảnh sinh hoạt đời thường và cả trên các sàn diễn thời trang lớn như New York, Paris hay London. Chiếc áo dài chỉ thật sự đẹp khi nó làm cho người mặc được tôn vinh vẻ đẹp, phong cách và thần thái của chính họ. Một điều quan trọng mà chúng ta cũng nên nhận thức là khi bạn mặc chiếc áo dài trên người là mang theo đó cả quá trình lịch sử, văn hoá và vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam như lời của một bài hát đã viết “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi…”
Tiểu Thư
Các bài viết liên quan:
[related_posts_by_tax title=""]VIDEO GỢI Ý
[youlist randomvid="2ixVsuU5MOw, Ongzpm5qN18, FrPYclwSF_A, nX8VpCywqD0, ZXketPYULb0, Gme6hDduhDQ, o_yK8hgb5-Y, 8PlXEoD-_9U, qDMQPIoSdPs, whmtXT5Zgrk, 8x3SFMa7hP0, jGv3n2Uhi4U" showinfo="1" width="768" height="480" class="youlist" autohide="2" autoplay="0" disablekb="0" theme="dark" modestbranding="0" controls="1" color="red" fs="1" rel="0" start="0" loop="0" iv_load_policy="1" version="3" style="" vq="" nocookie="0" https="1" wmode="" parameters=""]Hits: 633