Người xưa có câu “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”, tức bệnh từ miệng mà đến, họa cũng từ miệng mà ra; ai cũng biết một trong những thứ quan trọng có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta và của mọi người chung quanh đó là “khẩu nghiệp”. Vì lẽ đó mà “TU KHẨU ” luôn được xem như một lời nhắc nhở thường xuyên không thể thiếu trong giao tiếp giữa người với người nơi xã hội này. Hơn thế, tu khẩu là một yêu cầu chỉ dành riêng cho con người bởi vì trên thế gian này chỉ có con người mới được Thần Phật ban cấp cho trí huệ và ngôn ngữ để giao tiếp như là một đặc ân cao quý nhất. Vì lẽ đó cũng rất cần con người luôn nhớ gìn giữ và tu sửa mỗi ngày sao cho mỗi một lời nói cất lên đều nên có ý nghĩa, đều thật sự cần thiết, giúp người khác tiếp nhận dễ dàng, có sức nâng đỡ, chia sẻ và cảm hóa được lòng người.

Vậy thế nào là tu khẩu? lý giải theo đúng nghĩa của hai từ này, tu: có nghĩa là tu sửa, quy chính lại; khẩu: là lời nói; tu khẩu chính là tu sửa lại lời nói của mình sao cho đúng đạo lý, đúng chuẩn mực và đúng hoàn cảnh. Chắc bạn cũng biết có rất nhiều mối quan hệ từ xa lạ mà trở nên gắn bó; ngược lại cũng có những mối quan hệ từ thân thiết đậm đà mà bỗng trở nên xa cách, thậm chí còn không thể đi chung đường, không thể nhìn mặt nhau. Có những vấn đề tưởng như không còn lối thoát mà bỗng nhiên được hóa giải thênh thang; ngược lại cũng có chuyện đang thuận buồm xuôi gió bỗng dưng trở nên trắc trở bế tắc… cũng bởi vì một chữ “khẩu” này. Từ đó mới nhận thấy việc tu khẩu quả là hết sức quan trọng.

Nói về tu khẩu, từ xưa đến nay đã có rất nhiều lời dạy từ các bậc tiền nhân qua các thể loại như kinh văn, sách vở, văn vần, thơ ca, tục ngữ… được lưu truyền trong dân gian ví dụ như “Cái miệng kiện cái thân“, “Thần khẩu hại xác phàm”, “Chim khôn hót tiếng rảnh rang; người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hoặc “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… những lời đó quả thật không sai. Trong chúng ta chắc cũng không ít lần chứng kiến hoặc gặp phải những sự cố về khẩu nghiệp mà dẫn đến xích mích, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè hay cộng đồng bên ngoài xã hội. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho việc sử dụng ngôn từ của chính mình.
Khi nói đến tu khẩu không ít người thường liên tưởng đến việc đó là ngậm miệng không nói hoặc càng ít nói càng tốt để tránh va chạm, sai sót, thị phi… Và người đời cũng thường có câu nói “Khẩu xà nhưng tâm Phật”; anh đó, chị đó tuy nói năng bốp chát nhưng trong tâm thì lại rất tốt hoặc “Khẩu Phật nhưng tâm xà”; nhìn họ nói năng ngọt ngào vậy chứ trong bụng toàn là lừa dối và làm chuyện sai trái… Ta thấy, chỉ một chữ “Khẩu” thôi mà đã có rất nhiều sự biến hóa khó mà lường cho hết được.

Thực ra KHẨU là một hình thức biểu hiện của TÂM ra bên ngoài thông qua lời nói. Nếu cái tâm bên trong của một người thật sự tốt thì lời nói biểu hiện ra bên ngoài cũng sẽ mang hình tướng tương ứng. Tâm tịnh thì nói lời khoan thai; tâm rộng thì nói lời bao dung; tâm từ bi thì lời nói cảm thông; tâm hiểu biết thì lời nói thấu tình đạt lý… Ngược lại tâm nóng nảy cộc cằn thì lời nói ra như đao kiếm dễ làm sát thương người khác; tâm hẹp hòi đố kỵ thường nói lời mạt sát đối phương; tâm không thông tỏ càng nói càng đi vào ngõ cụt; tâm thị phi dễ nói lời gây thù chuốc oán, tâm thô tục thì lời nói ẩu tả…
Vậy có hay không vấn đề “khẩu xà, tâm Phật” hay “khẩu Phật, tâm xà”? xin thưa với các bạn là có và điều này vẫn đang diễn ra quanh ta.
Từ mối liên hệ giữa TÂM và KHẨU mà bàn về chuyện “khẩu Phật ,tâm xà” có thể thấy rằng: tất cả những biểu hiện ra bên ngoài nếu trái ngược với cái tâm mà một người đang cố che đậy thì đều là không chân thật. Chỉ là chúng ta không đủ năng lực để nhận biết, để phán đoán sự thật phía sau lời nói mà đưa chúng về đúng bản chất của nó. Là sự thật, thì dù có che dấu bằng lời hoa mỹ nào thì sớm muộn cũng sẽ bị phơi bày. Một người mà “Ngôn hành bất nhất” tức là nói và làm không như nhau thì ắt là có vấn đề. Vậy nên chúng ta nên cẩn trọng khi đánh giá một người thông qua ngôn từ và bản thân mình cũng nhớ đừng bao giờ sử dụng ngôn từ để lừa mị, che đậy những cái chưa đúng đắn trong chính con người mình. Vậy cũng nên cố gắng tu như thế nào để đạt đến “khẩu Phật, mà tâm cũng Phật”.

Ngược lại một người được cho rằng “khẩu xà nhưng tâm Phật” dù nói năng dễ gây va chạm cũng dễ được người khác chấp nhận vì người ta cho rằng cái tâm bên trong họ là tốt. Thật ra, con người hiện tại đang hiểu lầm về điều này; cho rằng người như thế thì tính tình thẳng thắn, trung thực. Thực chất điều này không hoàn toàn chính xác, chỉ để biện hộ cho lời nói bất minh của mình gây đau khổ cho người khác, biện minh cho cái tâm tính nóng nảy, cẩu thả của họ. Thật sự khẩu nghiệp là một thứ dễ gây tổn thương đến người khác và gây tổn hại đến phúc đức của người nói; vậy thì cớ gì bạn đã có tâm hành thiện tích đức thì tại sao lại còn dùng làm chi cái “khẩu xà” để làm tổn đi cái phước đức quý báu đó. Vậy cũng nhắc nhở những ai cho rằng mình là người “khẩu xà, tâm Phật” thì cũng cần nhìn và tu sửa lại lời nói của mình sao cho Thân – Khẩu – Ý cùng hợp nhất để giữ được cái phước đức mà mình đang có.

Điều trọng tâm mà tôi muốn đề cập đến trong bài viết này đó là hai góc độ khác của tu khẩu, khác với hình thức mà tôi vừa phân tích bên trên.
Thứ nhất là tu khẩu cũng cần phải nói, nó đối ứng với quan niệm tu khẩu là không nói, nói càng ít càng tốt. Bởi vì có những vấn đề nếu chúng ta không lên tiếng, không chỉ rõ đúng sai, nên hay không nên làm gì đó cho người khác biết mà tránh thì nó cũng đồng nghĩa với cái tâm của chúng ta chưa đủ từ bi, chưa đủ can đảm và rộng lượng. Chỉ vì an phận, không quan tâm đến thế thái nhân tình mà im lặng, không dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải thì đó có phải là tu khẩu? Chẳng hạn như trước một sự việc bất công, những việc làm sai trái mà chúng ta vẫn cứ im lặng như không hay biết thì đó có gọi là tu khẩu?.

Một ví dụ thế này, tôi thường xem thông tin và biết rằng chính quyền Trung cộng hơn 20 năm qua vẫn không ngừng đàn áp, bức hại rất dã man, tra tấn bằng nhiều hình thức tàn bạo, mổ sống lấy nội tạng của các học viên Pháp Luân Công đang tu luyện theo Chân Thiện Nhẫn và cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ để bán khắp thế giới. Hơn 20 năm qua, những nạn nhân bị bức hại vẫn kiên nhẫn nói cho con người thế gian biết sự thật tà ác của Trung cộng thì một số người cho rằng đó không phải là vấn đề của họ, họ không muốn can dự vào và còn tỏ thái độ cười nhạo những ai lên tiếng bảo vệ chính nghĩa. Trong khi cả thế giới đều lên án vậy mà một số người trong đó có người Trung Quốc lại thờ ơ và không dám lên tiếng bảo vệ người vô tội và phơi bày tội ác của chúng ra ánh sáng. Thế thì cái tâm và cái khẩu ở đây là gì? Nên được lý giải như thế nào cho đúng? Hậu quả là tội ác ngày càng lan rộng và trở thành như chuyện bình thường. Nhưng họ đâu biết đến một lúc nào đó, chính mình lại trở thành nạn nhân của chúng.

Tiếp theo là góc nhìn khác về “Khẩu xà tâm Phật” không chỉ như tôi đã phân tích bên trên mà trong thực tế nếu một người có tâm thái cao, có đủ uy đức, năng lực, trí huệ và thấu hiểu đạo lý ở đời; họ là có chủ ý để sử dụng cái “khẩu xà” này như một phương pháp mạnh mẽ nhằm cứu vớt, làm thức tỉnh một cá nhân đang chìm trong đau khổ, vô minh và lầm lạc mà nhà Phật thường gọi là “cho một gậy bổng hát để cảnh tỉnh”. Trong trường hợp này họ biết phải làm gì và lường trước được mọi tình huống có thể xảy ra thì việc vận dụng cái khẩu khí kia chính là một phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Chuyện kể về một vị lương y ngày xưa đối diện với một người đang bị chứng nấc cục liên hồi không dừng lại được, ông không dùng một phương pháp y học nào hết mà chỉ ngồi đối diện với người bệnh rồi dùng lời lẽ mạt sát vị này từ nhẹ đến nặng làm anh ta tức giận không kiềm chế được phải dùng lời lẽ trả đũa lại, cứ thế họ mạt sát lẫn nhau cho đến khi vị lương y nói “Đủ rồi, chúng ta dừng tại đây và ông có thể ra về vì đã hết nấc cục”.

Chúng ta cũng biết chuyện xưa về Lưu Bình và Dương Lễ là đôi bạn tâm giao từ thuở thiếu thời. Dương Lễ con nhà nghèo nên ra sức học, Lưu Bình cậy mình giàu có nên lười biếng, ham chơi. Dương Lễ thi đậu ra làm quan; còn Lưu Bình thi mãi không đậu sinh ra chán nản, ăn chơi, tiền của cuối cùng cũng hết. Nhớ đến bạn xưa hiện đang làm quan lớn nên tìm đến để nhờ giúp đỡ nhưng Dương Lễ không thèm nhìn mặt và chỉ nói những lời khinh bạc coi thường Lưu Bình, cho ít cơm hẩm với cà thâm và đuổi Lưu Bình ra khỏi cửa. Tức giận tủi nhục ra về, dọc đường ghé lại quán trọ, làm quen với một thiếu phụ tên Châu Long. Được Châu Long an ủi, khuyên nhủ, giúp Lưu Bình yên lòng ăn học; giao hẹn cương quyết phải giữ gìn khi nào thi đỗ mới tính việc vợ chồng. Tự ái vì bị Dương Lễ khinh thường và được Châu Long giúp đỡ, năm đó Lưu Bình thi đỗ Trạng nguyên. Trên đường về tìm đến Dương Lễ để nói mấy câu cho hả giận. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp thì bỗng thấy Châu Long từ trong bước ra chào. Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình, sợ mình bê trễ việc học hành, rồi sai vợ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. Từ đó tình bạn Lưu Bình và Dương Lễ khắng khít hơn xưa.

Còn rất nhiều câu chuyện từ xưa đến nay đang chứng thực cho những góc nhìn về tu khẩu mà tôi đang trình bày cùng các bạn. Ai cũng biết rằng vết thương trên thân thể dễ lành hơn vết thương gây ra bởi lời nói. Và hậu quả của lời nói đôi khi rất nặng nề, nó không chỉ làm hại cho chính người nói và những người liên quan mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, xã hội. Trong xã hội hiện nay, khẩu nghiệp không chỉ dừng ở lời nói như ngày xưa mà còn là những chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội. Sử dụng những lời độc ác, bịa chuyện, thô tục, xúc phạm đến người khác cũng có thể được xem là một dạng khẩu nghiệp. Giới hạn của bài viết chỉ có thể nêu ra một vài ví dụ điển hình qua đó giúp chúng ta nhận biết để cùng nhau tu khẩu, cùng mang đến cho đời thêm nhiều niềm vui, tình thương, sự cảm thông, giúp đỡ; đối đãi với nhau bằng chính cái TÂM và cái KHẨU đã được tu sửa của mình . Nếu thật sự có tâm Phật hiện diện bên trong bạn, thì xin hãy bộc lộ ra bằng những lời nói và hành vi cũng đẹp đẽ và tỏa hào quang ấm áp như thế!
Tuệ Tâm
Hits: 1574