Hoài niệm về tuổi thơ và nhận ra chân lý để dạy con làm người tốt

0
507
“Mặc dù, cuộc sống thôn quê vất vả, nghèo khó nhưng rất yên bình” (Tranh sơn dầu “Làng quê” của Triều Art)

Trong chúng ta chắc hẳn ai ai cũng có tuổi thơ để hoài niệm, có thể là một tuổi thơ vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình, được cha mẹ che chở, yêu thương chăm sóc, cũng có thể là tuổi thơ nghèo khó sống cơ cực ngày đây mai đó hoặc cũng có thể là một tuổi thơ đầy nước mắt, đau khổ, oán hận…, và cho dù tuổi thơ của mình có như thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải tiếp tục hành trình cuộc sống. Chúng ta hoài niệm về tuổi thơ để có cái nhìn tích cực, xây dựng cho con cháu chúng ta có được tuổi thơ vui vẻ, đáng nhớ.

Tuổi thơ của tôi bình thường lắm. Mặc dù, cuộc sống thôn quê vất vả, nghèo khó nhưng rất yên bình; dòng sông quê với đám lục bình trôi nổi, cánh đồng lúa thơm mát, đến mùa lúa chín nở rộ với một màu vàng rực rỡ cùng ánh nắng soi chiếu trên cánh đồng bao la, bên trên là đàn cò bay lượn, tựa như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đám trẻ con chúng tôi ngày xưa thường xúm lại chơi các trò chơi dân gian như chuyền chuyền, nhảy dây, lò cò, chọi lon, trốn tìm,… những trò chơi dân dã, bình thường nhưng rất vui vẻ, điều này rất khó tìm được trong xã hội ngày nay.

“Các trò chơi dân gian như chuyền chuyền, nhảy dây, lò cò, chọi lon, trốn tìm,… những trò chơi dân dã, bình thường nhưng rất vui vẻ, điều này rất khó tìm được trong xã hội ngày nay.” (Nguồn ảnh: Pinterest)

Thuở nhỏ tôi rất ham chơi, tôi chơi cả ngày không biết mệt, chơi đến khi nào ba mẹ kêu về mới chịu về, tôi nhớ có lần tôi mải mê chơi không về nhà, ba đã rất lo lắng đi tìm tôi, sau khi về nhà, ba rất giận và đã đánh tôi nhiều roi vào mông vì cái tội ham chơi để ba mẹ phải lo. Ba tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy bảo con cái, đứa nào không ngoan ba nói không nghe ba sẽ dùng roi để răn đe cho các con ngoan, điều này rất giống với câu nói của người xưa “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Các anh chị em tôi mặc dù bị ba rầy la, đánh đòn nhưng đứa nào cũng thương ba, có gì ngon cũng để dành cho ba, làm việc gì cũng hỏi ý kiến ba. Không biết có phải vì cách dạy con của ba mà các chị em tôi ai cũng ngoan, biết vâng lời ông bà cha mẹ, anh chị em sống hòa thuận, yêu thương nhau hay vì gia đình tôi kiếp trước đã tích đức nên kiếp này mới được hưởng quả ngọt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như gia đình tôi, nhiều gia đình dạy con theo cách “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” không những đứa trẻ không ngoan mà còn trở nên ngỗ nghịch hơn, cũng có những đứa trẻ bị khủng hoảng tinh thần, lo sợ, oán hận cha mẹ vì những trận đòn roi. Mỗi gia đình có cách dạy con khác nhau, chung quy cũng vì muốn tốt cho con trẻ nhưng cần đặt tâm để dạy con, thấu hiểu tâm lý của con để dạy con đúng đắn hơn. Mặc dù tôi là đứa con được cha mình dùng đòn roi để dạy bảo, nhưng đối với tôi, việc dùng đòn roi không phải là cách dạy con tốt nhất, có nhiều cách để dạy con trẻ ngoan, trở thành người tốt và thành đạt trong xã hội, điển hình là cách dạy con của người xưa rất đáng để ta học hỏi.

Có câu chuyện kể về cách dạy con của người xưa như sau: “Lưu Tán, đại thần nhà Hậu Đường vào thời Ngũ Đại, người Ngụy Châu (huyện Ký, Hà Bắc ngày nay). Ông xuất thân từ tiến sĩ, vào triều làm quan, nhiều lần đảm nhiệm chức Trung thư xá nhân, Ngự sử trung thừa, Hình bộ thị lang. Lưu Tán làm quan, không thiên vị tình riêng, không a dua xu nịnh, nổi danh là người chính trực nghiêm minh. Lưu Tán thành tài, không thể không nhắc đến sự giáo huấn nghiêm khắc của cha ông là Lưu Tần đối với ông. Khi Lưu Tán còn nhỏ, cha ông đang nhậm chức huyện lệnh. Yêu cầu của vị quan này đối với con trai là vô cùng nghiêm khắc. Khi Lưu Tán vừa đến tuổi đi học, cha ông liền dạy ông đọc những quyển sách cổ như “Thi Kinh”, “Thượng Thư” (Những sách này, nhìn từ thời hiện đại ngày nay thì chữ nghĩa vô cùng uyên thâm, nhưng lại là sách giáo khoa ắt phải học từ nhỏ của người xưa). Để khích lệ con trai tốt hơn, Lưu Tần lại còn đặc biệt cho con trai mặc áo vải xanh mà những người đọc sách thời xưa mặc (vào thời đại phong kiến xưa, khi còn chưa có chế độ thi cử, người đọc sách mặc áo xanh; đến khi có chế độ thi cử, thì sau khi thi đậu tú tài, mới có thể mặc áo vải xanh).

” Lưu Tán thành tài, không thể không nhắc đến sự giáo huấn nghiêm khắc của cha ông là Lưu Tần đối với ông.” (Nguồn ảnh: Tractional Culture)

Mỗi bữa mà hai cha con cùng ăn cơm, Lưu Tần tự mình ăn các món thịt trên mâm cơm, và luôn chuẩn bị một vài món khác như dưa cải cho con trai ăn. Ông nói với con trai rằng: “Món thịt là bổng lộc triều đình ban cho cha, là tự bản thân cha kiếm được. Nếu như con cũng muốn ăn thịt, thì cần phải chuyên cần đọc sách, sau này nhất định cũng có thể tự mình kiếm một phần bổng lộc, vậy thì có thịt ăn rồi. Bổng lộc của cha, không phải là thứ để con thừa hưởng”. Lưu Tần dùng phương pháp như vậy để giáo huấn, khích lệ con trai. Có người nhìn thấy thế sẽ cảm thấy cách làm này có phần không hợp tình người, nhưng đối với Lưu Tán đã khởi tác dụng khích lệ rất lớn. Lưu Tán dưới sự rèn giũa bởi phương pháp giáo dục này của cha mình, học hành hết sức chuyên cần. Khi ông hơn 20 tuổi, thì tài năng văn chương đã vô cùng đặc biệt. Đến hơn 30 tuổi, đã thi đậu tiến sĩ”. (Trích “Cựu Ngũ Đại sử – Lưu Tán truyện”)

Cha mẹ nuôi con không phải chỉ lo cho cái ăn cái mặc là đủ mà phải chăm lo tinh thần cho các con, nuôi con nuôi cả thể xác lẫn tâm hồn, công việc dù bận cách mấy cũng phải dành thời gian để quan tâm con, trò chuyện cùng con, dạy dỗ uốn nắn con nên người. Nhưng hiện thực đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những gia đình vì hoàn cảnh, cha mẹ phải đi làm cả ngày nên gửi con ở trường học. Chiều tan ca làm, đón con về, vì thương con học vất vả cả ngày ở trường nên mẹ thưởng cho con IPAD để giải trí và cũng không muốn phiền đến anh chồng chăm con, để anh chồng được nghỉ ngơi, giải trí bên chiếc điện thoại. Mẹ cặm cụi nấu bửa tối ngon cho cả nhà. Nhưng mẹ ơi, mẹ có biết được trò chuyện và chia sẻ với mẹ những câu chuyện nho nhỏ trong ngày, đó mới là phần thưởng lớn nhất mẹ dành cho con, mà không phải là những món ăn ngon được mẹ chăm chút mẹ ạ. Con chỉ cần nghe được giọng nói và những câu hỏi han quan tâm của mẹ thì con cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc vì con được mẹ yêu thương sau một ngày xa mẹ. Và ba ơi, ba mệt rồi, hãy để con đến bên ba xoa dịu những vết chai sạn nơi đôi bàn tay thô ráp. Con sẽ kể cho ba nghe hôm nay ở trường cô giáo đã dạy con những điều gì, lúc lũ bạn chọc ghẹo con ở trường con đã rất nhớ ba…

“Cha mẹ nuôi con không phải chỉ lo cho cái ăn cái mặc là đủ mà phải chăm lo tinh thần cho các con” (Nguồn ảnh: The Family)

Các bậc làm cha mẹ chúng ta có nghe thấy lời con nói không, âm thanh của con vang vọng vào không gian đến cả cỏ cây, đất đá cũng phải cảm động. Vậy thì, hãy bỏ chiếc điện thoại xuống và đến bên con, chính đứa con thân yêu và người vợ của mình mới là nơi mình được thư giãn sau một ngày làm việc vất vả. Cách đây vài năm, Tôi cũng như các bậc làm cha làm mẹ như trên, vì bận bịu với công việc ở Công ty và việc nhà mà tôi đã sao nhãng việc chăm sóc con, ít quan tâm hỏi han, trò chuyện với con. Mỗi khi đón con ở trường về cũng thường cho con xem ti vi, điện thoại. Có lẽ vì thế mà tâm tính con dần thay đổi, từ đứa trẻ ngoan hiền trở nên cáu gắt, nóng giận, đôi khi còn cãi lời mẹ. Nhìn thấy tâm tính con thay đổi theo chiều hướng xấu, tôi ngẫm lại mình, cũng bởi bản thân không đặt tâm dạy con cho tốt nên con mới trở nên như thế.

Khi tôi biết đến Pháp Luân Đại Pháp và thực hành tu luyện. Tôi hiểu rằng, làm người cần chiểu theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn trong đối nhân xử thế cũng như trong giáo dục con cái. Tôi nhẹ nhàng khuyên bảo con, phân tích cho con hiểu về tác hại của điện thoại ảnh hưởng đến tâm lý của con như thế nào và nó sẽ làm con dần trở thành người xấu ra sao. Mặc dù, con vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ sở thích xem điện thoại nhưng tôi chú ý kiểm soát việc xem điện thoại của con, không cho con chơi game và nếu có xem điện thoại cũng chỉ xem các chương trình mang tính giáo dục, bồi dưỡng nhân cách đạo đức. Ngoài ra, cuối tuần tôi sẽ đưa con đến nhóm học Pháp, luyện công cùng với các bạn của con, vừa giúp con nâng cao đạo đức, bồi dưỡng thiện tâm vừa rèn luyện sức khỏe. Theo thời gian, tâm tính con dần trở nên tốt hơn, mỗi khi đi học về con thường quấn quýt bên mẹ và kể cho mẹ nghe hôm nay ở trường con học hành thế nào, thầy cô giáo khen con ra sao, bạn bè đùa giỡn, vui chơi thế nào.v.v..

“Tôi hiểu rằng, làm người cần chiểu theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn trong đối nhân xử thế cũng như trong giáo dục con cái.” Tranh vẽ “Điều kỳ diệu của sự tĩnh lặng”. (Nguồn ảnh: Minghui.org)

Trải qua những biến cố trong gia đình, ngẫm lại bản thân thấy mình cũng còn nhiều thiếu sót trong cách dạy con nên càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để dạy con tốt hơn và tâm niệm sẽ chiểu theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn để dạy các con của mình; dạy con phải sống chân thật, thiện lương, nhẫn nại bao dung, biết kính trên nhường dưới, chăm chỉ học hành để tương lai trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Việc dạy con không phải thời gian ngắn là con sẽ ngoan, mà nó là một chặng đường rất dài trong cuộc sống. Vì vậy các bậc làm cha làm mẹ chúng ta càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để dạy con thật tốt, trao dồi đạo đức, bồi dưỡng thiện tâm cho các con, giúp các con có được sự kiên trì, nhẫn nại và nghị lực để vượt qua sóng gió của cuộc đời.

Liên Hương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây