
Sau khi nghỉ việc ở đơn vị tôi trở lại thành phố, trở về sống cùng chị với căn trọ quen thuộc của thời sinh viên. Vì nơi tôi học cao học cũng là ngôi Trường Đại học cũ ấy, khóa đào tạo này liên kết với trường để mở ra. Đây là khóa cao học đầu tiên của khu vực với hơn mười tỉnh thành tập trung về nên số người tham gia thi vào rất đông. Tôi đã đứng trong top 5 người đạt điểm cao nhất khóa, trong khóa có vài bạn thời lớp đại học của tôi cũng đậu vào, số còn lại đa phần là anh chị đã đi làm thâm niên ở các vị trí cao, nào là giảng viên, giáo viên trường điểm, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm huấn luyện thể thao.v.v. Các bạn của tôi thì cũng là giáo viên của một số trường các cấp, chỉ có tôi là không danh phận khi đã nghỉ việc.
Khóa học này sẽ kéo dài hai năm và làm luận văn tốt nghiệp, tiền học thì sáu tháng đóng một lần. Cũng nhờ tôi biết tiết kiệm nên số tiền tích được lúc đi làm cũng có thể chi được cho phí học, nhưng còn tiền lo cho sinh hoạt thì tôi phải tìm cách để đủ chi. Tôi quyết lựa chọn con đường học vấn để nâng cao kiến thức và tương lai cũng rộng mở, vì vậy tôi đã không hối hận khi rời một nơi làm việc nhiều ưu đãi đặc thù. Vui mừng và cũng tự hào về những cố gắng của mình luôn cho kết quả như ý.

Nhưng rồi những khó khăn bắt đầu đến: làm sao biết giảng viên nào tâm huyết để mình chọn làm người hướng dẫn đây, chủ đề gì sẽ chọn cho luận văn, những món tiền phát sinh ngoài sự tưởng tượng khi phải tiếp đãi những bữa tiệc xã giao, một số tiền quỹ phải đóng… Các anh chị học cùng hầu như họ đều chọn được người hướng dẫn như ý thông qua các mối quan hệ. Kinh tế, công việc họ cũng ổn định, việc để chi trả cho những khó khăn bằng tiền quá dễ dàng với họ…
Lúc còn sinh viên đại học tôi thường nghe về những nhận xét tiêu cực của những khóa học thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam. Tôi cũng không tin, nghĩ rằng nó chỉ là con số nhỏ nào đó không thể huơ đũa cả nắm được. Nhưng khi tôi đã trở thành người trong cuộc rồi thì mới rõ thế nào, ở đây tôi không muốn chỉ trích hay phơi bày những việc không hay ấy. Vì với tôi nó là bài học trong cuộc đời. Và nếu nghe tới đây bạn nghĩ rằng tôi đã hối hận. Không, tôi không hối hận, tôi làm chủ được cuộc sống của mình. Tôi không có vật chất danh tiếng gì để so với mọi người nhưng tôi rất tự tin về phương diện chịu trách nhiệm và làm chủ được mỗi bước đi cuộc sống của mình.
Tôi đã cố gắng chịu kiên trì học cho hết một năm, sau đó tôi đã không đến lớp nữa. Nhiều bạn, anh chị trong khóa đã gọi cho tôi hỏi: Sao em không đi học? Tôi chỉ cười và nói em không học nữa… Họ nói tôi học rất tốt hơn cả họ sao lại không học, tôi không muốn giải thích hay nói ra nhìn nhận của mình về chất lượng khóa học, cũng như nó không như điều tôi đã mong đợi trước đó… Tôi bảo “cảm ơn anh chị quan tâm, em sẽ không học nữa mọi người ở lại hoàn thành khóa học nhé”.

Đúng là tôi đã thất vọng, tôi đã nghiêm túc với việc học. Nhưng tôi lại nhẹ nhàng buông bỏ, dù sao tôi cũng trải nghiệm được là sinh viên cao học một năm. Tôi biết bản thân nếu ở lại tôi vẫn sẽ có được tấm bằng như mọi người, nhưng tôi thấy sự giả dối. Tôi không muốn phải xấu hổ khi “hữu danh vô thực”. Một điều kỳ lạ là nghỉ học rồi, giờ thì hay rồi, công việc cũng không, học hành cũng không, tiền cũng không, may là còn có chị nuôi cơm… Vậy mà tôi lại vui vẻ còn hơn là khi tôi thi đậu vào khóa học, cả khu trọ mọi người hay cười bảo sao tôi nghỉ học mà không tiếc chút gì lại còn vui vẻ, vô tư. Chị tôi cũng không trách tôi, người thân xung quanh cũng không ai gây áp lực gì cho tôi. Cuộc sống của tôi lúc thế này thế khác nhưng tôi không gây gánh nặng nào cho họ và đổi lại mọi người cũng tôn trọng những quyết định hay cách sống của tôi.
Khi tôi nghỉ rồi, khoảng thời gian sau gặp lại người thầy thời đại học. Tôi rất quý thầy, thầy rất giỏi dù thầy không phải là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại được giữ là giảng viên lâu năm có kinh nghiệm truyền thụ cho lớp trẻ. Thầy hỏi: Sao con bỏ học? Sao không gọi cho thầy khi chọn người hướng dẫn?… Tôi đâu biết vì thầy không có tên trong danh sách ấy. Thầy nói vì thầy không có học vị cao nên không có tên nhưng thầy được đặc cách hướng dẫn nếu có sinh viên muốn và kinh nghiệm hướng dẫn cũng nhiều năm rồi… Điều này làm tôi nể phục, một người thầy không có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng đã giúp nhiều người đạt được thành tựu ấy. Lúc ấy tôi nhìn lại sự việc nghỉ học của mình lại càng khẳng định quyết định ấy không sai. Nếu bằng năng lực chân chính để bước lên thì không có gì để phán xét, còn nếu chỉ có tờ giấy trong tay mà năng lực không tới thì tuyệt tôi không cần.

Tôi tự hỏi trong cuộc sống này có bao nhiêu người có thể nhẹ nhàng đưa ra những chọn lựa như tôi đã làm. Hầu hết sẽ bị lôi kéo bởi chữ “lợi” mà sẽ không dễ dàng bỏ việc lương cao. Rồi cũng không dễ bước qua chữ “danh” để bỏ học. Hơn thế nữa là sẽ bị ước thúc bởi người thân gia đình mà ảnh hưởng đến mọi quyết định. Sau đó cuộc sống ấy không còn là của mình nữa, bạn sẽ được gán cho câu “sống vì người khác”. Thật ra sống vì người khác không nhất định là nghe theo sự đòi hỏi, mong muốn của người khác thì mới gọi là sống vì người khác. Mà nếu bạn là người sống có trách nhiệm với bản thân, mọi lựa chọn đều cân nhắc kỹ trước khi làm, tôn trọng những nguyên tắc đạo đức trong mỗi hành vi thì bạn cũng đang sống vì người khác rồi nhưng bạn không đánh mất chính mình đây mới là điều quan trọng.
Tôi minh tỏ rằng, khi con người làm việc phù hợp với Đạo thì tấm lòng rộng mở, hành vi thoáng đạt, mang đến bên mọi người là hạnh phúc, an vui. Tôi muốn gửi bạn thông điệp rằng hãy làm cho cuộc sống của mình trở nên nhẹ nhàng và thuận theo Đạo. Bạn sẽ thấy một thế giới mới trong chính bản thân mình.
Tôi sẽ đợi bạn!
(Còn tiếp)
Tĩnh Nhiên, 28/10/2021