Duyên dáng chiếc áo Bà Ba

0
1176

Miền Tây quê tôi sông nước hữu tình, hoa thơm trái ngọt, thấp thoáng bóng con đò nhỏ mỗi ngày đưa rước khách sang sông”(Nguồn ảnh: Miền Tây thương yêu)

Miền Tây quê tôi sông nước hữu tình, hoa thơm trái ngọt, thấp thoáng bóng con đò nhỏ mỗi ngày đưa rước khách sang sông;  tàu bè, xuồng ghe xuôi ngược tấp nập trên sông, mặt nước nhấp nhô tạo nên những con sóng nối tiếp nhau vỗ tràn cả lên hai bờ sông. Từ chợ nổi trên sông, những chiếc xuồng chở đầy những bí, dưa, cà và rất nhiều loại rau củ, hoa màu, trái cây… vẳng nghe tiếng rao hàng của những người phụ nữ trong chiếc áo bà ba sắc màu duyên dáng mặn mà. Nụ cười chân chất hoà cùng tiếng chào hỏi qua lại giữa người mua người bán rộn ràng khắp ngã ba sông tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng của miền sông nước nam bộ.

Chiếc áo bà ba không biết có tự bao giờ mà  sao tôi thấy bất cứ người phụ nữ nào mặc vào cũng tăng thêm phần duyên dáng, đằm thắm, dịu dàng. Áo bà ba vốn là áo không cổ, thân phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, được xẻ tà ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, vạt áo có thêm hai cái túi tiện lợi đựng những vật dụng nhỏ, tiền bạc…, giữa áo được cài bởi một dải khuy chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo vừa phải, dài qua khỏi mông, vừa vặn thân người. Áo bà ba thường mặc với chiếc quần đen hoặc trắng dài chấm cổ chân hay gót chân tuy kín đáo nhưng vẫn làm tôn lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát và mềm mại của người phụ nữ.

“Chiếc áo bà ba không biết có tự bao giờ mà  sao tôi thấy bất cứ người phụ nữ nào mặc vào cũng tăng thêm phần duyên dáng, đằm thắm, dịu dàng.” (Nguồn ảnh:Việt Nam quê hương)

Phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường vận bộ bà ba đen đi đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm… rất mau khô sau khi giặt. Chính nhờ sự tiện dụng và thoải mái đó mà chiếc áo bà ba trở thành một trang phục chính đặc trưng đồng hành cùng người phụ nữ Nam bộ từ bao đời nay. Các bà, các cô mặc khi làm việc nhà, đi đồng, đi chợ hay đi đám tiệc. Hình ảnh chiếc áo bà ba gợi lên vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc, dịu dàng của người phụ nữ trên vùng quê sông nước. Tôi nhớ vào những buổi sớm mai má tôi và các bác trong xóm thường mặc những bộ đồ bà ba đi chợ, tay xách giỏ, trên đầu không thiếu cái nón lá che nắng, che mưa mà ngồi lựa từng bó rau, con cá. Đến chợ quê  tôi cũng  gặp rất nhiều bóng dáng của những cô bác trong chiếc áo bà ba hoa văn nhẹ nhàng mộc mạc như những bông hoa tô điểm thêm lên màu xanh mướt của rau trái miệt vườn.

“Chính nhờ sự tiện dụng và thoải mái đó mà chiếc áo bà ba trở thành một trang phục chính đặc trưng đồng hành cùng người phụ nữ Nam bộ từ bao đời nay.” (Nguồn ảnh: Miền Tây thương yêu)

Một trong những nét đẹp của người phụ nữ nông thôn là khéo tay, giỏi việc thêu thùa may vá. Họ thường tự may cho mình và người thân những chiếc áo bà ba thật vừa vặn, trang nhã nên mỗi chiếc áo đều mang  đậm nghĩa tình, sự trân trọng và tinh tế trong đó. Tôi nhớ lúc đó nhà nào có con gái thì đều cho đi học may vá thêu thùa, nữ công gia chánh. Bà tôi kể rằng lúc trẻ bà cũng được đi học may, bà cũng tự tay may quần áo cho cả nhà mặc, bà chuyên may áo bà ba và các loại áo dài khác. Tay nghề khéo léo của bà được tiếng vang khắp vùng nên có nhiều cô gái trẻ trong làng đến xin học nghề may. Vào thời đó vải chưa có màu sắc hoa văn, chỉ có màu nâu hay màu đen, trắng để mặc thường ngày ở nhà. Còn khi đi đám tiệc, lễ hội thì thường mặc những chiếc áo màu xanh, màu hồng… đẹp hơn, có hoa văn được thêu thùa với màu sắc tươi sáng. Các cô gái dáng vẻ mảnh mai ngồi bên khung cửa sổ may những chiếc áo bà ba với đường kim mũi chỉ mượt mà hài hoà và tinh tế.

“Không chỉ chứa đựng hình ảnh, tính cách của những người dân quê hiền hoà, chịu thương chịu khó mà còn tôn lên vẻ đoan trang, kín đáo, mẫu mực của con gái miền quê Nam bộ.” (Nguồn ảnh:Việt Nam quê hương)

Áo bà ba tuy giản dị đơn sơ nhưng mang đậm tình quê chan chứa. Không chỉ chứa đựng hình ảnh, tính cách của những người dân quê hiền hoà, chịu thương chịu khó mà còn tôn lên vẻ đoan trang, kín đáo, mẫu mực của con gái miền quê Nam bộ. Vào dịp lễ hội, ngày rằm những người phụ nữ mặc chiếc áo bà ba thành kính lễ Phật dâng hương thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính đối với Thần Phật ở nơi Phật đường, Chùa chiền. Hình ảnh người phụ nữ trong chiếc áo bà ba, cùng quây quần nấu nướng, làm bánh mứt, gói những đòn bánh tét, bánh ít với sự chăm chút tỉ mỉ từng góc cạnh sao cho đều, cho đẹp mắt để dâng lên Tổ Tiên vào ngày giỗ, hay dịp lễ Tết để tỏ lòng thành kính biết ơn, đối với Thần Phật, tổ tiên đã ban cho một năm mưa thuận gió hòa, lòng người an định mà an cư lập nghiệp.

Hình ảnh người phụ nữ trong chiếc áo bà ba, cùng quây quần nấu nướng, làm bánh mứt, gói những đòn bánh tét, bánh ít với sự chăm chút tỉ mỉ từng góc cạnh sao cho đều, cho đẹp mắt để dâng lên Tổ Tiên ” (Nguồn ảnh: Miền Tây thương yêu)

Xã hội càng ngày càng phát triển, cuộc sống đầy đủ vật chất hơn trước nên có nhiều loại trang phục khác đã xuất hiện bên cạnh chiếc áo bà ba. Một số người chạy theo thời trang cho rằng áo bà ba giờ đã lỗi thời, lại phải tìm được người khéo léo để may đo rất mất công nên ngày càng ít mặc và làm mai một chiếc áo bà ba. Lại có không ít những kiểu áo bà ba cách tân xẻ tà thật cao, cổ áo khoét sâu và may bằng loại vải mỏng gây phản cảm và giảm đi nét đẹp thuần khiết của chiếc áo bà ba truyền thống. Tuy nhiên cũng có những cô thợ may lâu năm vẫn giữ được chuẩn mực nguyên gốc, lưu giữ và truyền thùa nét đẹp đặc trưng của chiếc áo bà ba. Ngày nay vẫn còn không ít phụ nữ, đặc biệt là các cụ bà như bà và cô tôi vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống trong trang phục, giữ được thói quen mặc áo bà ba ở nhà hay mỗi khi có dịp ra ngoài. Khi tôi hỏi cô tôi vì sao cô thích mặc áo bà ba trong khi bên ngoài đang có rất nhiều quần áo thời trang có thể mua mặc nhanh chóng? Cô trả lời rằng vì cô thích nét đẹp bình dị của nông thôn ngày xưa nên dù trào lưu xã hội có thay đổi nhưng cô và nhiều người vẫn mong muốn lưu giữ những giá trị truyền thống của ông bà xưa nơi chiếc áo bà ba bình dị, mộc mạc nhưng thanh tao và duyên dáng .

“Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ cho người phụ nữ nét đẹp dịu dàng đằm thắm, nét duyên dáng thướt tha.”(Nguồn ảnh:Việt Nam quê hương)

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của cuộc sống chiếc áo bà ba vẫn còn nguyên giá trị mà không trang phục nào thay thế được. Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ cho người phụ nữ nét đẹp dịu dàng đằm thắm, nét duyên dáng thướt tha. Áo bà ba thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, áo bà ba thơm mùi khói bếp, đảm đang giữa chợ đông người. Thiếu nữ trong chiếc áo bà ba thoăn thoắt mái chèo hay phấp phới bay trên những chiếc cầu lắt lẻo qua sông. Áo bà ba thấp thoáng trên những cánh đồng ngày mùa, rộn ràng trong các lễ hội, lung linh duyên dáng và đậm chất dân dã làm say lòng người. Dù ở đâu, khi nào, người ta cũng dễ dàng bị thu hút trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba, và nhớ đến người con gái trong chiếc áo bà ba nền nã đến nao lòng… Hình ảnh chiếc áo bà ba với nụ cười đôn hậu sau vành nón lá nghiêng nghiêng mang đậm nét đặc trưng truyền thống rất riêng của người phụ nữ vùng sông nước nam bộ quê tôi. “Thương lắm quê mình mặn mà chiếc áo bà ba. Duyên dáng em cười nghiêng đầu che nón bài thơ”. 

Tiểu Thư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây