Dạy con lòng tự trọng

0
250

Nhìn xã hội hiện nay, ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều người tự ái nhưng người tự trọng thì lại hiếm hoi. Điều nguy hiểm hơn là người ta nhầm lẫn hoặc cố tình đánh tráo hai khái niệm tự ái và tự trọng với nhau, từ đó rất dễ tự ái nhưng lại bảo đó là tự trọng và đòi người khác phải tôn trọng kể cả khi bản thân không có tự trọng.

Trước tiên, ta tìm hiểu và làm rõ hai khái niệm này để tránh nhầm lẫn.

Tự ái là gì?

Tự ái là một biểu hiện của tự ti, mặc cảm của những người ái kỷ khi bị đánh giá hoặc tự đánh giá bản thân thua kém hơn người khác. Điều này làm họ tức giận và khi tức giận, người tự ái sẽ tìm mọi cách để làm cho kẻ kia phải thấp kém như mình, nó không phải là động lực để phát triển. Thậm chí nó là một trong những nguyên nhân làm cho con người có những suy nghĩ hoặc làm nhiều việc xấu.

Người tự ái thường không nghe những lời góp ý của người khác, khó chịu với những lời chỉ trích, trả thù người đóng góp ý kiến với mình. Anh An làm việc kém hiệu quả hơn anh Bình, anh Bình được chủ thưởng, anh An liền quay ra tìm cách chê bai chỉ trích anh Bình hoặc chửi người chủ không biết đánh giá cao năng lực của An. An sẽ gây rối và kiếm chuyện đủ kiểu. Chị Cúc thấy con nhà chị Hằng học giỏi, trưởng thành, trong khi con mình chưa được như vậy, chị liền tự ái và kiếm lỗi của chị Hằng và con chị Hằng để chê bai. Những biểu hiện này đều nằm trong nỗ lực tự nâng mình lên quá tầm của mình nhằm mục đích muốn được công nhận hoặc tự an ủi theo cách rất sai vì nó sinh ra đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ. Đứa trẻ hình thành tính tự ái khi nó bị so sánh quá nhiều lần với những đứa trẻ khác hoặc với anh em trong nhà hoặc bị đối xử không công bằng.

Tự trọng là gì?

Tự trọng là luôn luôn chú ý giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình trong mọi hoàn cảnh, không làm điều sai trái với người khác và với thiên nhiên. Khi lỡ làm điều sai, người tự trọng luôn nhận ra rất nhanh và hối lỗi, tìm mọi cách sửa sai. Họ có thể chết để giữ gìn phẩm giá.

Người tự trọng đi đường không vượt đèn đỏ, không phóng lên lề, không lạng lách đánh võng gây nguy hiểm cho người khác. Người tự trọng làm việc gì cũng cố gắng làm thật tốt để không bị chê bai và làm cho người khác vui lòng. Người tự trọng có ý thức rõ về bản thân cũng như xã hội, môi trường sống chung quanh. Họ giữ gìn cho mình đồng thời cũng giữ gìn cho cộng đồng xung quanh. Họ không chấp nhận được những bất công, sai trái và thường lên tiếng phản đối những việc xâm phạm đến phẩm giá, nhân cách của mình cũng như của người khác.

Lòng tự trọng không bỗng dưng mà có, nó là một đức tính được nuôi dưỡng và dạy bảo từ nền tảng gia đình. Sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Bạn không thể dạy con trẻ lòng tự trọng khi trong bữa cơm bạn chỉ trích chửi bới chồng bất tài và so sánh anh ta với chồng của cô A cô B. Bạn không thể dạy con trẻ lòng tự trọng khi chở con vượt đèn đỏ hoặc chen ngang không xếp hàng nơi công cộng. Bạn không thể bắt con bạn phải có lòng tự trọng khi bạn hối lộ hoặc nhận hối lộ để hoàn thành một dự án nào đó. Bạn không thể làm cho con bạn coi trọng việc giữ gìn phẩm giá khi bạn xun xoe nịnh bợ sếp và quát nạt cấp dưới, quỵ lụy trước bạo quyền và tiền bạc.

Dạy con lòng tự trọng là bản thân cha mẹ phải giữ phẩm giá và nhân cách của mình. Phải biết cúi đầu trước lẽ phải và thẳng lưng trước cái xấu xa. Trong những bài viết về dạy con trước đây, từ cách đi đứng nằm ngồi, ăn uống, yêu thương, chia sẻ, tinh tế, ứng xử… tôi đều lồng ghép vào đó việc loại trừ tính tự ái và dạy con lòng tự trọng. Khi một đứa trẻ biết yêu thương, sống nhân văn, biết chia sẻ và sống có tổ chức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và người xung quanh thì nó đã hình thành được lòng tự trọng một cách bền vững.

Mẹ tôi ngày xưa thường bảo, “Giấy rách phải giữ lấy lề.” Bà rèn tính tự trọng cho chúng tôi trong rất nhiều việc từ ăn ở đi đứng cho đến chuyện biếu và nhận quà. Biếu ai cái gì thì phải xuất phát từ tình cảm và trao đi với sự trang trọng nhất kể cả khi biếu người cơ nhỡ ăn mày. Đó là lý do tôi rất ghét việc bắt các em bé phải cởi áo đang mặc ra, mặc áo mới mình tặng vào, xếp hàng chụp hình. Nó làm tôi thấy cái việc trao đi của mình trở nên tầm thường hóa. Khi nhận, mẹ dạy ai cho cái gì bất kỳ cũng đều là tình cảm của người, phải nhận với lòng biết ơn nhưng không được hạ mình vì món quà đó. Nên, khi còn nhỏ, dù thiếu thốn, nhưng ai cho cái gì chúng tôi thường ít dám nhận, toàn cảm ơn xong chạy biến về nhà. Người cho thường đem qua nhà, mẹ cho phép thì chúng tôi mới dám cầm và cứ nhớ mãi. Việc tưởng nhỏ, nhưng nó hình thành sự tự trọng rất lớn vì không tham kể cả khi đói khát thì cả đời chẳng thể tham cái của người.

Thỉnh thoảng, ta thấy một số quan chức nước người từ chức vì bộ phận người đó phụ trách gây ra lỗi gì đó. Đó là lòng tự trọng buộc họ tự từ chức vì họ cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Dạy trẻ con cũng vậy. Khi con trẻ đòi một món quà theo giao hẹn, bạn hãy hỏi trẻ đã thực hiện đúng giao hẹn chưa, trẻ hãy tự đánh giá xem bản thân có xứng đáng được nhận món quà theo giao hẹn chưa? Khi trẻ có ý nghĩ hoặc làm việc gì đó sai, hãy hướng dẫn trẻ để trẻ nhận ra, biết xấu hổ vì điều đó và sửa sai.

Trẻ đánh bạn trong lớp, khi bạn biết việc, bạn cần giải thích cho trẻ hiểu cơ thể con người không được xâm phạm, đánh bạn là sai, bảo trẻ xin lỗi bạn và khắc phục sửa sai bằng cách mời bạn chầu kem hay làm việc gì đó để bù đắp và không lặp lại việc sai.

Khi trẻ chỉ trích chê bai bạn nào đó trong lớp, hãy hỏi kỹ và tìm hiểu để xem có phải trẻ đang hình thành tính tự ái hay không. Khuyến khích trẻ thường xuyên tự đánh giá năng lực bản thân để cố gắng hơn. Động viên trẻ có thể làm tốt hơn nếu trẻ chú tâm, cố gắng. Mọi việc… dù nhỏ đến đâu, xin đừng lơ là, bởi mọi lời nói và hành động đều xuất phát từ một cái gì đó và đem đến một điều gì đó.

Một quốc gia có nhiều người có lòng tự trọng thì quốc gia đó mới phát triển bởi những người tự trọng không thể nào chịu đựng nổi cảnh quốc gia mình phải đi xin đi vay mãi của người, không thể chịu đựng nổi khi bị nước khác xâm lấn, không thể chịu đựng nổi khi bị chèn ép trên trường quốc tế, thua kém và bị sỉ nhục, không thể chịu nổi khi đàn bà con gái nước mình phải đi làm gái khắp thế giới, không thể chịu đựng nổi khi đi ra nước ngoài thấy những biển cảnh báo người Việt ăn cắp… Những người tự trọng sẽ nỗ lực hết mình để thay đổi điều đó và làm cho đất nước trở nên mạnh mẽ hơn bằng chính lòng tự trọng mạnh mẽ của họ.

Việt Nam có thay đổi hay không là ở mỗi chúng ta có thay đổi hay không để giáo dục con cái.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

Nguồn: trithucvn.org