Võ thuật Trung Hoa khởi nguồn từ nền văn hóa cổ xưa của Trung Hoa và có một nội hàm vô cùng phong phú. Nó bắt nguồn từ Đạo Gia do đó nó có mối liên hệ mật thiết với tu luyện.
Nội hàm của võ thuật truyền thống Trung Hoa
Dân tộc Trung Hoa được mệnh danh là dân tộc có nền văn hóa Thần truyền 5000 năm lịch sử. Đối với điều này, Lão Tử có cái nhìn tổng quát gói gọn trong hai chữ “Đạo” và “Đức”. Đây cũng là nét tinh túy của văn hóa truyền thống Trung Hoa.
“Đạo” được hiểu chính là quy luật vận hành của vũ trụ, còn “Đức” là dựa theo quy luật vận hành của vũ trụ, trời đất mà làm việc. Lão Tử viết: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.” Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật. Lão Tử cũng viết: “Đạo sinh chi, đức súc chi”, ý nói Đạo sinh ra vạn vật, Đức dung dưỡng vạn vật. Vạn vật do Đạo mà sinh ra và dựa vào Đức mà tồn tại. Vạn vật có Đức tất sẽ sống, mất Đức tất sẽ chết. Do đó, vạn vật đều phải lấy “tôn Đạo trọng Đức” làm căn bản để sinh tồn.
Võ thuật truyền thống Trung Hoa là một trong những nội hàm của văn minh Thần truyền, do đó nó bao gồm cả “Đạo” và “Đức” trong đó. Cái gọi là “truyền”, ở tầng thứ cao mà nói chính là Thần truyền cấp cho con người, cũng chính là nói: “Thần truyền nhân thừa”. Nói cách khác, là Thượng Thiên truyền xuống, Đạo truyền xuống, Thần truyền xuống và con người chúng ta thừa hưởng. Còn “thống” tức là một quy phạm và nguyên tắc thống nhất. Tuân theo những quy phạm và nguyên tắc thống nhất này mà thực hành thì được gọi là thống, có truyền có thống thì được gọi là “truyền thống”.
Từ Võ (“武”) được tạo thành bởi hai bộ phận là “戈 ” (cây thương, giáo, mác) và “止” (kết thúc, ngăn lại), nói cách khác “võ” không phải là dùng để đánh nhau kịch liệt mà là ngăn lại việc đánh nhau, ngăn chặn lại bạo lực. “Thuật” mang ý nghĩa chỉ phương pháp, nghệ thuật. Cho nên, võ thuật nghĩa là nghệ thuật ngăn chặn bạo lực, ngăn chặn việc đánh nhau.
Nói một cách khái quát nhất, Võ thuật truyền thống Trung Hoa là nghệ thuật ngăn chặn (chặn đứng lại) việc đấu tranh, đánh nhau do Thần ban tặng cho dân tộc Trung Hoa.
Võ đức – tinh hoa võ thuật truyền thống Trung Hoa

Tinh hoa của văn minh Trung Hoa là đạo đức, võ thuật truyền thống Trung Hoa là một bộ phận của văn minh Thần truyền Trung Hoa. Do vậy nét tinh túy trong võ thuật truyền thống Trung Hoa cũng hàm chứa đạo đức.
Một trong những tinh hoa của võ thuật truyền thống Trung Hoa chính là tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”, “Vô vi nhi trị” của Đạo gia và tư tưởng “Chí thiện vi bản”, “từ bi chúng sinh” của Phật gia. “Thiên nhân hợp nhất” ý chỉ việc tuân theo quy luật Thiên đạo quy phạm Thần truyền mà làm. Bởi vì thuận theo Thiên ý thì sẽ được Thần trợ giúp và tự nhiên đạt được hiệu quả. “Vô vi nhi trị” ý chỉ không vì bản thân, vô ngã mà làm việc, thuận theo Thiên ý, đi theo hướng tự nhiên. Còn “Chí thiện vi bản” ý chỉ người đủ Phật tính, lấy thiện làm gốc, một lòng hướng thiện, đạo đức cao thượng, được Thần phù hộ. “Từ bi chúng sinh” ý chỉ xả bỏ yêu mà đạt được từ bi, thương xót chúng sinh, độ người là độ mình, độ mình là độ người.
Xét một cách đơn giản, Võ thuật truyền thống Trung Hoa hàm chứa những nét tinh túy đó, vậy nên võ thuật Trung Hoa không phải có ý chỉ nghệ thuật đánh nhau mà là nghệ thuật ngăn chặn việc tranh đấu lẫn nhau. Nhưng xét rộng hơn thì võ thuật Trung Hoa không phải chỉ là một loại nghệ thuật mà nó chính là con đường tu luyện, là một loại nền tảng của tu luyện.
“Võ đức” chính là đạo đức của võ thuật. Tôn đạo trọng đức, tin tưởng vào nhân quả, thông tỏ thiện ác, ngừng ác tuyên dương thiện, kính Trời khiêm mình, thuận Trời thuận người, hướng đạo tu đức chính là võ đức. Cổ nhân nói: “Võ dĩ đức chương, đức dĩ vũ hiển”, chính là nói rằng đức là cái gốc của võ, võ là cái lá của đức.
Cái đức của võ còn thể hiện ở việc gặp thiện mà không ức hiếp, gặp ác mà không sợ. Thời cổ đại, Hoàng Đế lấy chính để ngăn chặn ác, sáng tạo ra lịch sử võ đức. Chu Vũ Vương lấy có đạo để phạt vô đạo. Đường Thái Tông cho xây dựng Lăng Yên Các để biểu dương võ đức và lòng trung dũng của các công thần. Trương Tam Phong sáng lập ra Thái Cực quyền, “chí nhu nhược thủy” (thiện nhất như nước), lấy nhu thắng cương để bình thiên hạ. Lão Tử viết: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỉ vu đạo” (Thiện cao nhất giống như nước, nước đem lại lợi ích cho vạn vật mà không tranh giành với vạn vật, có thể ở những chỗ mà mọi người không thích nhất, cho nên nước là giống với Đạo), Thái Cực quyền không chỉ lấy sự nhu hòa, thong dong để làm lợi cho sức khỏe của con người, dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ mà càng là “lấy nhu khắc cương”, ngăn chặn bạo lực, không đả thương người. Đây được coi là điển hình của võ đức.
Võ đức còn thể hiện ở tu tâm dưỡng tính, có tâm cầu đạo, không màng danh lợi, thiện tâm, ý chí kiên định, có nếm trải qua trăm khổ ải cũng cam lòng, trải qua muôn vàn khó khăn cũng không nhụt chí, đối mặt với cường quyền và kẻ ác mà tâm không sợ, kỹ thuật không hời hợt. Một khi tâm không sợ thì “thần ngưng khí định”, kỹ thuật không hời hợt thì có thể ngăn chặn được bạo lực.
Võ đức lấy mỹ đức truyền thống gồm “trung, thứ, nhân, nghĩa, hiếu, liêm” để hành động. Lão Tử nói: “Thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ, phu lễ giả, trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ.” (Mất đạo thì đến đức. Mất đức thì đến nhân. Mất nhân thì đến nghĩa. Mất nghĩa thì đến lễ. Mà lễ là trung tín đã đi đến chỗ mỏng manh, và là đầu mối loạn lạc), cho nên trong võ thuật truyền thống, đạo đức là đứng đầu rồi mới đến kỹ thuật giỏi. Điều này cũng là phù hợp với nền văn hóa truyền thống “tôn đức trọng đạo” của người xưa.
An Hòa (t/h)
Nguồn: Trithucvn.net
Hits: 20