Cuộc sống muôn màu quanh ta; Câu chuyện thứ 2: Nhận thức về tôn kính tượng Phật 

0
403
(Nguồn ảnh: Pinterest

Trong cuộc sống mỗi người chúng ta ai cũng có sự tín ngưỡng dựa trên niềm tin của mình. Tôn kính đối với Phần Phật và bài tỏ thành tâm mong được sự phù hộ của Thần Phật là một tín ngưỡng rất phổ biến trong đời sống của đa số mọi người. Sự bài tỏ này được thể hiện bằng nhiều hình thức như đi Chùa lễ Phật, thờ phụng hình tượng Phật tại nơi những nơi trang nghiêm như ngay trong ngôi nhà của mình hay tại nơi làm việc để mong cho tâm mình được thanh tịnh và được bình an, may mắn. Có người còn làm mặt dây chuyền hay trang sức có hình Phật để đeo hoặc xăm cả hình Phật lên thân thể mình với mong nghĩ đơn giản rằng như vậy thì Thần Phật sẽ luôn ở bên mình, bảo hộ cho mình mọi lúc, mọi nơi.

Hình thức này từ lâu nay cũng đã được nhiều người thực hiện và dần trở nên quen thuộc nên mọi người đều nghĩ rằng đó là một trong những cách để thể hiện sự  tôn kính đối với Thần Phật; là tự do tín ngưỡng của mỗi cá nhân nên làm điều này rất tốt và không có gì là sai.  Từ thói quen đó mà các nhà kinh doanh cũng nhanh chóng nắm bắt tâm lý của mọi người nên in, đúc, chạm, khắc ra các hình Phật làm mặt dây chuyền, bông tai, nhẫn … với nhiều hình ảnh phong phú, đẹp mắt để thu hút người mua, đây là một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng và tạo ra lợi nhuận kinh tế ổn định. Bản thân tôi trước đây cùng người thân trong gia đình và nhiều bạn bè cũng rất thích mua ít nhất một món đồ trang sức có hình tượng Phật để đeo. Tuy nhiên, có một sự thật mà cả người sản xuất kinh doanh và người mua những trang sức có hình tượng Phật lại không biết rằng điều này sẽ dẫn đến những sai lầm mà chúng ta không ngờ tới mà tôi xin phép mạn đàm cùng quý bạn tiếp theo đây.

Thần Phật là những hình tượng cao quý và vô cùng thánh khiết nên phải được đặt ở những nơi trang nghiêm, thanh tịnh, sạch sẽ nhất để thờ cúng.” (Nguồn ảnh: Pinterest)

Thông qua chia sẻ của người anh tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nhiều năm đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về  tín ngưỡng và sự tôn kính đối với Thần Phật. Trong buổi trò chuyện chúng tôi đàm đạo nhiều câu chuyện liên quan đến tín ngưỡng Thần Phật. Qua lời anh nói đã làm tôi giật mình và suy nghĩ rất nhiều về phương thức mà mình và nhiều người đang dùng để bày tỏ lòng tôn kính đối với Thần Phật đó là mang hình tượng Phật theo bên người của mình. Tôi nhận ra Thần Phật là những hình tượng cao quý và vô cùng thánh khiết nên phải được đặt ở những nơi trang nghiêm, thanh tịnh, sạch sẽ nhất để thờ cúng. Từ thời xa xưa, ông bà ta đối với việc thờ cúng đã rất trang trọng,luôn giữ thân thể sạch sẽ trước khi dâng hương lễ Phật; đầu tóc, quần áo gọn gàng sạch sẽ; cử chỉ trang nghiêm, thành kính; nói năng từ tốn, cẩn thận; đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai, … đôi khi còn không dám chạm vào tượng Phật bằng đôi bàn tay chưa được rửa sạch và lau khô. Vậy mà ngày nay nhiều người chúng ta còn làm cả tượng Phật để đeo , thậm chí còn dùng mực xăm hình Phật lên thân thể của mình để lưu giữ vĩnh viễn.

“Mang hình tượng Phật theo bên mình đã vô hình chung buộc Ngài phải chứng kiến, phải ở trong những hoàn cảnh không hề thánh khiết như thế thì thử hỏi điều này có phải là tôn kính Thần Phật hay không?” (Nguồn ảnh: Internet)

Vấn đề sai lầm mà không ai nhận ra chính là xuất phát từ đây. Khi bạn mang hình tượng Phật xuyên suốt bên mình, trong cuộc sống sinh hoạt, làm việc, giao tiếp hay làm bất cứ  việc gì cũng đều không tháo ra. Thậm chí kể cả khi sinh hoạt rất riêng tư, thầm kín bạn không muốn hoặc không dám cho ai nhìn thấy như  sinh hoạt vợ chồng, quan hệ nam nữ… Có những lúc thân thể cũng chẳng được sạch sẽ, ví như khi đi tắm, đi vệ sinh,… mà vẫn cứ mang hình tượng Phật theo  bên mình đã vô hình chung buộc Ngài phải chứng kiến, phải ở trong những hoàn cảnh không hề thánh khiết như thế thì thử hỏi điều này có phải là tôn kính Thần Phật hay không? Chẳng lẽ mỗi lần như thế thì cầu xin Phật nhắm mắt lại cho con tắm, cho con đi vệ sinh, cho con làm gì đó …? Không những thế có khi còn làm những chuyện trái với lương tâm, trái đạo lý mà vẫn mang Phật đi theo để được an tâm hơn, rồi cầu xin Phật tha thứ trên hình thức bên ngoài  chứ trong tâm không hề nhìn nhận lỗi lầm của mình và cũng không thật tâm mà tu sửa bản thân.

Tượng đức Phật
“Phải chọn đúng người chân tu, phải là bậc tu hành có đầy đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức và trí huệ để thực hiện thì việc khai quang ấy mới đạt hiệu quả, thì tượng Phật ấy mới có Pháp thân của Phật đến trú ngụ vào.” (Nguồn ảnh: Pinterest)

Nhiều người cứ nghĩ rằng, khi đeo mặt dây chuyền có in hình Phật được đúc bằng vàng, bạc, đá quý như vậy là tốt và Phật sẽ luôn hiện diện bên mình để bảo hộ mình vượt qua mọi sóng gió. Vậy điều này thật sự có đúng hay không? xin thưa với các bạn là không. Không phải nơi đâu có hình tượng Phật thì đều có Phật hiện diện nơi đó. Tôi đã được nghe và tìm hiểu để biết được rằng: muốn có được Pháp thân của Phật nhập vào các hình tượng Phật được đúc, vẽ hay điêu khắc thì cần trải qua một quá trình khai quang rất nghiêm túc. Ví như đưa lên chùa để vị Sư trụ trì khai quang và việc khai quang này cũng phải đạt tiêu chuẩn thì Phật mới nhập vào bức tượng đó. Phải chọn đúng người chân tu, phải là bậc tu hành có đầy đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức và trí huệ để thực hiện thì việc khai quang ấy mới đạt hiệu quả, thì tượng Phật ấy mới có Pháp thân của Phật đến trú ngụ vào. Mặt khác, một tượng Phật sau khi khai quang còn phải được thờ cúng trang nghiêm bằng tâm kính ngưỡng thì Pháp thân của Ngài mới lưu lại trên đó mà triển hiện và ban cho chúng ta những điều tốt đẹp. Nếu cứ đến trước tượng Phật mà cầu xin những chuyện trái đạo lý, cúng tế rườm rà, phung phí không phù hợp với giáo lý mà Ngài truyền giảng thì sớm muộn gì Pháp thân của Phật cũng sẽ rời đi.

“Liệu thân thể của chúng ta có đủ sự trang nghiêm, thánh khiết, trong sạch và tâm tính chúng ta có đạt đến chuẩn mực cao của một người tu luyện chân chính để có thể lưu giữ hình tượng Phật trên đó ?” (Nguồn ảnh: Internet)

Với ý nghĩa đó, quay lại câu chuyện mang hình tượng Phật trên thân thể thì có nên hay không ? trước hết ta cần tự hỏi liệu thân thể của chúng ta có đủ sự trang nghiêm, thánh khiết, trong sạch và tâm tính chúng ta có đạt đến chuẩn mực cao của một người tu luyện chân chính để có thể lưu giữ hình tượng Phật trên đó ? câu hỏi này tự mỗi chúng ta mới có thể trả lời chính xác nhất và quán chiếu vào mà suy xét. Từ lẽ đó, nếu hỏi có hay không việc một vị Phật ngự ở bên trong các mặt dây chuyền, trong những hình xăm trên thân thể các bạn thì chắc bạn có thể đoán được câu trả lời. Riêng bản thân tôi cho rằng không hề có vị Phật nào cư ngụ trên những vật chất mang theo bên thân thể chúng ta. Giả dụ nếu thật sự là có thì chúng ta đã phạm phải tội bất kính không hề nhẹ đối với Thần Phật. Và nếu không có thì đeo cũng chẳng có ý nghĩa gì mà nó chỉ thể hiện cái tâm truy cầu mong muốn Thần Phật phù hộ mình mà không thông tỏ đạo lý.

Tuy nhiên con người chúng ta nếu có tín ngưỡng Thần Phật, luôn mong muốn Thần Phật sẽ  ở bên mình để bảo hộ mình được bình an, may mắn…điều này không có sai, chúng ta có tâm thành kính như thế thì rất trân quý. Nhưng bạn có biết không? Thần Phật chỉ nhìn nhân tâm chứ không phải nhìn hình thức bên ngoài, nếu một người hay cầu Thần bái Phật nhưng tâm tính không tốt và thường làm những việc trái với lương tâm thì hỏi Thần Phật nào có thể bảo hộ mình, ban phước lành cho mình được kia chứ. Còn một người trong tâm rất tin tưởng Thần Phật nhưng không thể hiện ra bên ngoài như đeo tượng Phật bên mình như đã nói ở trên mà chỉ một lòng hướng thiện, tu tâm dưỡng tính thì dù có đi đâu làm gì cũng được Thần Phật bảo hộ mình có được cuộc sống bình an, hạnh phúc.

“Phật chỉ hiển hiện trên thân thể một người khi chính bản thân người đó thông qua tu luyện gian khổ mà ngộ ra được chân lý ở một tầng thứ cao, tự bản thân họ thành tựu và đắc quả vị của một bậc giác giả” (Nguồn ảnh: Chanhkien.org)

Qua cuộc trò chuyện với người anh đã giúp tôi có được cái nhìn sâu sắc và suy nghĩ thấu đáo hơn trong việc tín ngưỡng, tôn kính đối với Thần Phật. Cũng mong rằng trong chúng ta mỗi khi làm việc gì đó nhất là liên quan đến tín ngưỡng Thần Phật thì hãy thật cẩn trọng và có lý tính đừng quá cảm tính mà hành xử không đúng sẽ gây hại cho bản thân. Ông bà xưa đã dạy: trước khi làm việc gì cũng nên trầm tĩnh mà suy xét xem việc này có phương hại gì không thì mới hành xử; nếu chúng ta tôn kính Thần Phật thì càng phải để tâm hơn nữa vì đây là hành xử quan trọng nhất đối với sinh mệnh của  một con người. Nếu sai lệch, hậu quả sẽ khó lường! Phật chỉ hiển hiện trên thân thể một người khi chính bản thân người đó thông qua tu luyện gian khổ mà ngộ ra được chân lý ở một tầng thứ cao, tự bản thân họ thành tựu và đắc quả vị của một bậc giác giả (Phật,La Hán) thì lúc đó chính bản thân họ đã là một vị Phật mà không cần phải truy cầu hay mong muốn những thứ nông cạn như đeo, xăm trổ hình  tượng Phật trên người…như đa số chúng ta đang làm hiện nay.

[Liên Hương]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây