Mỗi chúng ta ai cũng có một hoài niệm tươi đẹp tuổi thơ về gia đình ông bà, ba má. Trong ký ức của tôi nhớ lại thời còn bé, ba má tôi thường đi làm xa hay có khi đi làm ruộng tới chiều tối mới về, nên mấy đứa con nít như tôi thường được ông bà nội ngoại trông nom chăm sóc. Tôi nghe ngoại kể lại lúc nhỏ khoảng một hai tuổi, tôi ở nhà với ngoại thường hay khóc nhè mỗi khi ba má chuẩn bị đi làm, ngoại lại vỗ về ẵm bồng trên tay cho tôi nín, có khi ầu ơ ví dầu “con ơi con ngủ cho ngon, mẹ con đi cấy ruộng xa chưa về”… từ hơi ấm tình thương của ngoại mà tôi ngủ trên tay ngoại lúc nào không hay.

Ngoại tôi dáng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn, mái tóc pha sương búi cao gọn gàng, nước da ngăm và những nếp nhăn càng hiện rõ trên gương mặt của ngoại theo năm tháng. Ngoại thường mặc quần đen và áo túi giản dị có hoa văn nhẹ, áo túi này cũng giống như áo bà ba nhưng thân trước và sau tách đô rời, có hai cái túi để vật dụng như chai dầu nhỏ, tay áo ngắn nên được gọi là áo túi thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Ngoại tôi có thói quen ăn trầu, tôi thích nhìn ngoại nhai móm mép từng miếng trầu cay, mặc dù lá trầu có vị cay, được hòa quyện cùng với vị chát của trái cau vậy mà ngoại lại ăn ngon lành; những trái cau, lá trầu này được hái từ những cây cau, giàn trầu mà Ngoại trồng trước sân nhà; mỗi khi bông cau trổ thì rụng trắng trước sân tạo nên một khung cảnh thật đẹp cùng với đàn gà con loanh quanh trước sân; xung quanh nhà ngoại cũng trồng mấy cây mận, cây xoài…. để cho con cháu trèo hái mỗi khi có trái.
Cũng vì cuộc sống vất vả tần tảo sớm hôm gieo trồng cấy mạ mà lưng của ngoại còng theo năm tháng, lại phải chăm lo cho đàn cháu thơ từng miếng ăn giấc ngủ. Sau này, Khi chúng tôi lớn lên, ngoại thường hay kể về chuyện ngày xưa đứa này đứa kia hay nhõng nhẽo, khóc nhè, rồi còn lì mê chơi không chịu ngủ… ngoại hù là “đứa nào không ngủ sẽ bị ông kẹ bắt”, sợ quá hai con mắt đứa nào cũng nhắm lại không dám mở ra.

Nhà ngoại đơn sơ là vậy nhưng có được mấy luống khoai sau hè để dành nấu ăn và làm bánh. Ngoại thường nấu khoai lang, khoai mì, có hôm còn xay bột làm đủ các loại bánh nào là bánh bò, bánh chuối, bánh canh… bằng cách lấy bột cán vào lá chuối rồi cắt từng sợi nhỏ trong chốc lát là có được nồi bánh canh tép nóng hổi, thơm ngon và đong đầy tình thương của ngoại.
Vào những buổi trưa hè tiếng võng đong đưa hình ảnh chiếc lưng còng của ngoại ngồi ầu ơ “gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay”, lời ru chan chứa tình thương mong cho cháu của bà say giấc ngủ trưa. Có lúc giọng ngoại trầm ấm kể về thời xa xưa chiến tranh loạn lạc, những năm tháng hào hùng của dân tộc, những chiến tích của các vị anh hùng hay chuyện cổ tích thần tiên có chú cuội chị hằng vào những đêm trăng tròn… Lúc đó, tuy chưa hiểu gì nhiều nhưng tôi và mấy đứa em rất thích nghe, mắt tròn xoe chăm chú nghe ngoại kể. Ngoại thường nói câu “thương con một táo, thương cháu một dạ” là vậy, sau này cho dù có đi đâu thì tôi cũng mong về với ngoại để có được tình thương bao la, ấm áp.

Tôi lớn lên từng ngày trong tình thương của gia đình, trong đó ngoại là người để lại trong tôi ký ức sâu sắc với những lời dạy dỗ con cháu phải thảo hiền. Tôi nhớ mãi con đường làng hai bên có hàng cây xanh che bóng mát, có hàng bằng lăng tím nở rộ soi mình xuống mặt nước, đám lục bình trôi theo dòng nước, cây cầu tre lắc lẻo qua sông. Mấy đứa con nít xóm tôi chơi đùa tắm sông, đi lên giữa cây cầu rồi nhảy xuống nước bơi lội vui đùa, bắt cua, bắt hến quên cả thời gian cho đến khi bác hàng xóm bảo “mấy đứa nhỏ đi lên” thì chúng tôi mới chịu lên bờ… Tuổi thơ tôi lớn lên thật êm đềm là vậy! Người dân quê tôi cũng hiền lành thật thà chân chất, đặc biệt bà con thân thiện yêu quý giúp đỡ lẫn nhau; có món gì ngon hay biếu nhau làm quà.

Ngày nay nhiều gia đình sống nơi thành thị, con cháu phải lo việc học hành nên ít có thời gian vui chơi, các bậc cha mẹ cũng hiểu được điều này nên cũng mong con trẻ có được không gian vui chơi gần gũi với thiên nhiên. Vì thế, những ngày hè hay gửi các con về quê với ông bà nội ngoại để có không khí trong lành thoáng mát, được nghe tiếng gà gáy mỗi sớm tinh mơ, được theo cô bác ra đồng để nhìn ngắm những ruộng lúa đầy bông. Những cô bác nông dân tay thoăn thoắt thu hoạch những vụ mùa mà điều này các con chỉ được thấy trong sách vở và vào những ngày xa xưa trước; ngày nay thay vào đó là máy cắt, máy suốt vừa tiện lợi giảm vất vả cho nhà nông. Ngoài ra, con trẻ còn được thấy cảnh các chú bác dùng lưới dí bắt những con chuột chạy đồng khi lúa được cắt gần hết và đó cũng là thành quả lao động vất vả một ngày của các bác. Trên cánh đồng tiếng nói cười vui đùa của cô bác nông dân và lũ trẻ dưới nắng gió trong bầu không khí chan hoà mát mẻ, lại còn được thưởng thức những bữa cơm dân dã miền quê ngon lành.

Lại nói về Ngoại tôi, cháu con ngày càng khôn lớn thì ngoại ngày càng già đi, mái tóc pha sương nay đã bạc trắng. Ngoại ở quê nhà luôn ngóng trông đàn cháu vì cuộc sống mưu sinh phải đi xa nhà, đứa đi học, đứa đi làm nên ít có thời gian về thăm ngoại. Mỗi khi được nghỉ lễ hay cuối tuần là tranh thủ về thăm ngoại, cũng là dịp để con cháu quan tâm chăm sóc cho ngoại. Mỗi lần về quê tôi và mấy đứa em thường quấn quýt bên ngoại để được nghe ngoại kể chuyện xưa. Lúc nhỏ chưa biết làm gì chỉ biết lặt rau, rửa chén phụ giúp ngoại ít việc vặt, những lúc nghỉ ngơi tôi thường bóp tay chân, nhổ tóc bạc cho ngoại… chỉ một lúc mà ngoại đã ngủ rồi.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với hình ảnh ông bà, ba má tần tảo sớm hôm, mong cho con cháu được khôn lớn nên người; cùng dòng sông quê, khóm trúc bờ lau, mái hiên tỏa khói lam chiều. Những giấc ngủ trưa hè ầu ơ của ngoại hay lúc vui đùa cùng đám bạn, khắc khoải những hình ảnh hồn nhiên của cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Tình yêu thương của gia đình giúp tôi luôn trân quý ký ức tươi đẹp, cho dù có đi đâu tôi cũng sẽ nhớ hoài hình bóng quê nhà. Giờ đây, tôi chỉ còn lại hình bóng của ngoại trong tâm trí mỗi khi về thăm quê, cảnh vật nay cũng đã thay đổi rất nhiều; con đường làng không còn lầy lội trơn trượt, không còn tiếng võng đong đưa của ngoại, cái dáng khom lưng mỗi khi ngoại ăn trầu và những lời dặn dò mỗi khi con cháu chuẩn bị đi làm xa, “Nhớ ăn uống cho no đừng để bụng đói nghe con”. Thương ngoại chăm lo con cháu cả đời, cho dù tôi có lớn khôn thì vẫn là đứa cháu ngây thơ ngày nào của ngoại.

Dù cuộc sống bây giờ nhiều phức tạp nhưng tôi vẫn luôn ghi nhớ lời dạy dỗ của ông bà, không chạy theo những hình thức đua đòi, hơn thua từng chút chỉ làm mình thêm nhọc nhằn tâm trí. Tôi luôn nhớ những lời ca tiếng hát, những câu từ dạy dỗ của ông bà về những giá trị đạo đức quý giá, về lối sống truyền thống lấy đạo làm gốc trong mỗi con người, mỗi gia đình và đó chính là giá trị của con người chúng ta… Tất cả như hành trang mang theo trong cuộc sống của tôi cho đến tận bây giờ và mãi về sau này. Mỗi lần trở về thăm quê trong tôi thường dạt dào lời hát “Quê hương là chùm khế ngọt cho cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là đường đi học con về rợp bướm vàng bay, quê hương là con diều biếc tuổi thơ con thả trên đồng… quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”. Tôi mong rằng mỗi chúng ta trong cuộc sống của mình hãy lan tỏa tình yêu thương giúp đỡ những người xung quanh, sự giúp đỡ đó đôi khi chỉ là một nụ cười tươi, lời nói dịu dàng, đối nhân xử thế bằng tấm lòng thiện lương, bao dung, nhẫn nại để có được cuộc sống bình an và hạnh phúc như ông bà ta ngày xưa đã sống.
Tiểu Thư