Câu chuyện về nguồn gốc “Tứ đại cổ cầm” của Trung Hoa cổ đại

0
396

Thời xưa, các vị cao tăng dẫu đánh vỡ một chiếc bát cũ kỹ cũng cảm thấy không nỡ trong lòng, không phải bởi vì tiếc rẻ, mà bởi vì trân quý sinh mệnh. Bởi thế cổ nhân có câu: “Vạn vật hữu linh”, ý nói mỗi một vật tồn tại trên đời đều có đặc tính, có linh hồn riêng. Trong vạn vật thì đặc biệt “nhạc khí” là lưu lại nhiều truyền thuyết nhất, cũng là vật phẩm đặc biệt có “linh tính” nhất, mà cổ cầm lại càng như vậy.

Câu chuyện về nguồn gốc "Tứ đại cổ cầm" của Trung Hoa cổ đại

Trong “Cầm, Kỳ, Thư, Họa” thì “Cầm” là nhạc cụ có dây ra đời sớm nhất trong lịch sử Trung Hoa, ngày nay được gọi là cổ cầm, cũng được gọi là thất huyền cầm. Cổ cầm có lịch sử chế tác lâu đời, nhiều danh cầm đều có văn tự khảo chứng, hơn nữa lại gắn liền với những truyền thuyết thần kỳ. Trong đó nổi tiếng nhất là “Hiệu Chung cầm” của Tề Hoàn Công, “Nhiễu Lương cầm” của Sở Trang Vương, “Lục Ỷ cầm” của Tư Mã Tương Như và “Tiêu Vĩ cầm” của Thái Ung. Bốn cây đàn này được người đời gọi là “tứ đại danh cầm”.

Hiệu Chung cầm

Hiệu Chung là danh cầm đời nhà Chu. Âm thanh của loại cổ cầm này lớn và vang giống tiếng chuông ngân, hay giống tiếng tù và kêu vang.

Truyền thuyết kể rằng Bá Nha, nhân vật gắn liền với khúc Cao Sơn Lưu Thủy, từng đàn qua Hiệu Chung cầm. Về sau, Hiệu Chung cầm do Tề Hoàn Công, vị quân chủ hiền minh của nước Tề, thu giữ. Tề Hoàn Công là người thông hiểu âm luật, thu thập rất nhiều danh cầm, nhưng ông yêu quý nhất là Hiệu Chung cầm.

Tề Hoàn Công từng sai bộ hạ gõ sừng trâu để phối hợp, còn tự mình tấu Hiệu Chung cầm. Tiếng sừng trâu vang vang, tiếng ca thê lương bi ai, Hiệu Chung cầm cũng tấu lên âm thanh bi thương, khiến thị hầu hai bên đều cảm động mà rơi lệ.

Nhiễu Lương cầm

Có một câu chuyện trong “Liệt Tử” kể rằng, vào thời nhà Chu, nữ ca Hàn Nga đi từ nước Hàn sang nước Tề, qua Ung Môn thì bị mất tiền, bất đắc dĩ đành phải hát rong xin ăn. Tiếng ca của Hàn Nga réo rắt rơi vào không trung giống như tiếng chim Nhạn hót mãi không ngừng. Ba ngày sau khi Hàn Nga rời đi, tiếng ca vẫn quẩn quanh, mãi không dứt. Từ đó có câu: “Dư âm nhiễu lương, tam nhật bất tuyệt”, nghĩa là dư âm vẫn còn văng vẳng bên tai, ba ngày không dứt.

Cổ cầm lấy tên Nhiễu Lương, có nghĩa là âm thanh ngân mãi không dứt. Theo truyền thuyết, Nhiễu Lương là lễ vật của một người tên Hoa Nguyên dâng lên Sở Trang Vương, không rõ niên đại chế tác. Sở Trang Vương từ khi có được Nhiễu Lương cầm trong tay, cả ngày đàn tấu làm vui, say mê trong tiếng nhạc. Có một lần, ông còn liên tiếp 7 ngày không tọa triều, gác lại việc triều chính.

Vương phi Phàn Cơ vô cùng lo lắng, khuyên Trang Vương rằng: “Quân vương, ngài quá đắm chìm trong âm nhạc rồi! Xưa kia, Hạ Kiệt vì quá yêu đàn sắt Muội Hỷ mà dẫn đến hoạ sát thân. Trụ Vương vì mê nghe âm thanh uỷ mị mà mất giang sơn xã tắc. Nay, Quân vương quá yêu thích Nhiễu Lương cầm như vậy, 7 ngày không tọa triều, lẽ nào cũng là muốn mất nước và mất mạng của mình hay sao?”

Sở Trang Vương nghe xong như bừng tỉnh giấc ngủ, nhưng ông không có cách nào kháng cự lại sự mê hoặc của Nhiễu Lương cầm. Thế là ông đành phải nén lòng sai người đập vỡ đàn, thân đàn vỡ thành nhiều mảnh. Từ đó, danh cầm Nhiễu Lương bị thất truyền.

Lục Ỷ cầm

Lục Ỷ cầm là cây đàn cổ của Tư Mã Tương Như, văn nhân nổi tiếng thời nhà Hán. Tư Mã Tương Như vốn có gia cảnh bần hàn nhưng ông lại vô cùng nổi danh về thơ phú.

Vua nước Lương nghe danh tiếng nên mời Tương Như đến làm phú, được viết tặng bài “Như ngọc phú”. Lời bài phú này hoa mỹ, đẹp đẽ, cấu tứ ý vị phi phàm. Lương Vương vô cùng cao hứng nên đã lấy cây đàn Lục Ỷ của mình tặng lại cho Tư Mã Tương Như làm quà đáp lễ.

Lục Ỷ là danh cầm truyền đời, trên đàn có khắc chữ: “Đồng tử hợp tinh”, tức là do tinh hoa của cây đồng và cây tử hợp lại. Tương Như có được Lục Ỷ như có được báu vật. Kỹ năng chơi đàn tinh thông của ông phối cùng âm sắc tuyệt mỹ của Lục Ỷ khiến tiếng đàn của Lục Ỷ nổi danh. Về sau này, Lục Ỷ trở thành biệt danh của cổ cầm.

Một lần nọ, Tư Mã Tương Như đến thăm người bạn là Trác Vương Tôn. Trác Vương Tôn mến mộ danh tiếng của bạn nên đã bày tiệc thịnh soạn để thiết đãi. Đang lúc cao hứng, mọi người thỉnh mời Tư Mã Tương Như chơi một khúc để cùng được thưởng thức.

Tương Như từ lâu đã nghe nói con gái của Trác Vương Tôn là Văn Quân tài hoa xuất chúng, tinh thông cầm nghệ, lại ngưỡng mộ mình, nên đã đàn khúc “Phượng cầu hoàng” để bày tỏ tình cảm. Văn Quân sau khi nghe đàn, hiểu được hàm ý của cầm khúc nên đã trốn đi cùng Tương Như kết mối lương duyên. Từ đó, chuyện Tư Mã Tương Như dùng đàn để tìm bạn đời được truyền tụng thành giai thoại thiên cổ. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng có nhắc đến việc này, nhưng không đề cập đến tài nghệ đàn của Tư Mã Tương Như.

Tiêu Vĩ cầm

Tiêu Vĩ cầm là cây đàn cổ do Thái Ung, nhạc gia trứ danh thời Đông Hán, chế tác. Khi Thái Ung trên đường đi lánh nạn, gặp đám cháy lớn, ông đã cứu được một khúc cây ngô đồng chưa bị cháy hết.

Thái Ung dựa theo độ dài ngắn và hình dáng của nó mà chế tác thành cây “thất huyền cầm”, thanh âm của nó rất lạ thường. Bởi vì phần đuôi của cây đàn còn lưu lại vết cháy nên Thái Ung đã đặt tên cho cây đàn này là Tiêu Vĩ. Âm sắc êm dịu dễ nghe của Tiêu Vĩ khiến cây đàn nổi danh bốn biển.

Cuối đời Hán sau khi Thái Ung bị sát hại, Tiêu Vĩ cầm vẫn được bảo quản hoàn hảo ở nội khố của hoàng thất. Hơn 300 năm sau, khi Tề Minh Đế lên ngôi, vì để thưởng thức tài nghệ đánh đàn hơn người của Vương Trọng Hùng, nên đã sai người đem Tiêu Vĩ cầm đã được cất giữ nhiều năm ra cho Vương Trọng Hùng diễn tấu.

Vương Trọng Hùng liên tục đàn 5 ngày, đồng thời cũng ngẫu hứng sáng tác “Áo não khúc” dâng hiến lên Minh Đế. Đến đời nhà Minh, Vương Phùng Niên người Côn Sơn đã cất giữ cổ cầm này.

An Hòa 

Nguồn: trithucvn.org