Lão Tử nói về ba điều người có trí tuệ sáng suốt cần thủ giữ

0
444

Xuyên suốt Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã làm rõ ba điều mà người có trí tuệ sáng suốt cần phải làm được, đó là “thủ ngu”, “thủ tĩnh” và “thủ nhu”. Đây cũng là ba đại trí tuệ tiêu biểu trong tư tưởng Đạo gia.

Lão Tử nói về ba điều người có trí tuệ sáng suốt cần thủ giữ

Thủ ngu: “Đại trí nhược ngu”

Đạo lý mà Lão Tử đề xướng là “thấp điệu”, khiêm nhường, nguyện ý hạ mình ở dưới. Từ đầu tới cuối, Lão Tử đều chủ trương ẩn dật, không tranh với đời.

Trong “Sử ký” có viết một câu nói của Lão Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”, ý nói người mà buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ ngu ngơ vậy.

Người trí tuệ không dễ dàng khoe khoang, thể hiện bản thân mình hơn người, họ không giống người bình thường mà thường “thủ ngu”, ẩn đi sự xán lạn của bản thân, bề ngoài có vẻ giống như những người bình thường khác, thậm chí kém hơn người khác. Bởi vì con người thường có tâm đố kỵ tranh đấu rất lớn, cho nên người thông minh sẽ dễ ở trong “bất tri bất giác” tạo nên sự tranh đấu, dễ dàng khiến bản thân mình trở thành mục tiêu, khiến những sự tình muốn làm càng khó thực hiện.

Kỳ thực Nho giáo của Khổng Tử cũng có những đạo lý tương tự, chẳng hạn trong “Luận Ngữ” có câu khen ngợi Nhan Hồi là người “Hữu nhược vô, thật nhược hư”, có mà giống như không, thật mà giống như giả.

Thủ tĩnh: Gặp việc lớn phải có tĩnh khí

Lão Tử nói: “Thục năng trọc dĩ trừng? Tĩnh chi từ thanh”, tức là muốn làm nước đục trong trở lại, thì chỉ có cách để yên, gợn sẽ tự lắng xuống.

Một ly nước vẩn đục nếu cứ khuấy lên thì sẽ không thể nào hết đục, chỉ có thuận theo tự nhiên, từ từ mới có thể khiến nó trong. Tâm của con người cũng lại như thế, khi tâm người không tĩnh thì sẽ chẳng thể nhìn thấu được vạn sự thế gian, lý cũng không thuận. Tâm phải phẳng như gương mới có thể soi rọi vạn sự vạn vật, mới thấy rõ tất cả sự tình.

Trong “Đạo Đức Kinh” viết: “Tĩnh vi táo quân”, ý nói tĩnh chính là chủ thể chỉ huy sự vận động. Tĩnh có thể khắc chế được tính khí nóng nảy, manh động của con người, giúp con người nắm chắc lý trí của mình. Một người có tính khí trầm tĩnh và một người có tính khí nóng nảy ở với nhau, ắt người có tĩnh khí sẽ làm chủ.

Thời cổ đại, trên mũ của Hoàng đế luôn có bức rèm ngọc nhỏ, tác dụng chủ yếu của nó là thông qua bức rèm ngọc nhỏ này giúp Hoàng thượng bảo trì được trạng thái tĩnh khí, không hành xử vội vàng.

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Tâm tĩnh tắc thể sát tinh, khắc trị diệc tỉnh lực”, ý nói chỉ có người tĩnh tâm mới có thể đủ cẩn thận để suy xét kỹ càng sự vật, phát hiện sự vật và nhìn ra những chỗ tinh vi của sự vật. Làm được như vậy có thể giúp nâng cao hiệu quả công việc, “làm ít mà công to”, giảm thiểu tối đa thời gian và sức lực.

Thủ nhu: Mềm thắng cứng

Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy của mình. Đá có mạnh đến đâu cũng sẽ bị nước mềm yếu chinh phục. Vì thế Lão Tử giảng: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được.”

Mềm mại chính là đại trí huệ của sinh mệnh, cũng như một cái cây khô thì rất dễ bị gió làm cho gãy, tuy nhiên cây còn sống cứ thuận theo chiều gió mà lay chuyển nên chẳng hề gì. Đạo lý làm người cũng lại như thế, những thứ có sinh mệnh thì đều mang một thân thể mềm mại, chết rồi liền biến thành khô cứng, cong queo.

“Binh vô thường hình, thủy vô thường thế”, những thứ mềm mại có thể dễ dàng uyển chuyển biến hóa cho nên có thể thích ứng được với vạn sự. Còn thứ cứng rắn lại khó có thể biến hóa thích ứng với hoàn cảnh. Đây cũng chính là đạo lý “Vô hình thắng hữu hình”.

Hơn thế nữa, sự yếu mềm nhu hòa của nước có thể hiện ở chỗ “sinh ra mà không sở hữu, làm mà không kể công, giúp phát triển mà không đòi làm chủ”, đây chính là đức tính cao nhất, là sự vị tha. Bởi vậy “Người thiện, thì ta thiện; người không thiện, ta vẫn cứ thiện, đó chính là thiện”. Trong mọi việc con người đều lưu giữ thiện tâm, lấy thiện đãi người, giống như nước vậy, dù có chịu thiệt thòi trước mắt thì cũng không mất đi tín niệm trong lòng, như vậy sẽ được người yêu mến, được trời đất phù trợ, chính là thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

An Hòa
Nguồn: trithucvn.net